Giáo viên dạy trẻ khiếm thị 5 năm không được tăng lương

Hết lòng chăm sóc và dạy chữ cho học sinh khiếm thị, công việc vất vả, nhưng 5 năm nay thu nhập của giáo viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm (Hội Người mù tỉnh) ngày càng thấp đi.
Giáo viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm hết lòng dạy dỗ trẻ khiếm thị nhưng thu nhập rất thấp Hết lòng “Lại đây cô nhỏ mũi cho”, dù đang chuẩn bị bài kiểm tra cho học sinh cả lớp, nhưng khi thấy một em bị ngạt mũi đi qua, chị Hoàng Thị Phương, giáo viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm vẫn gọi vào để lau, nhỏ mũi cho em. Không chỉ chị Phương, nhiều năm nay các giáo viên tại trung tâm đều coi học sinh như con em của mình để chăm sóc, dạy dỗ vì các em đều ở nội trú. Với điều kiện khó khăn, thiếu thốn ở trung tâm, các giáo viên đã phải nỗ lực rất nhiều để bảo đảm điều kiện học tập cho các em. Cứ đầu năm học, các thầy cô tại đây phải đi khắp các trường học lân cận để xin sách vở cho học sinh. Cuối mỗi năm học, họ phải bọc từng quyển sách giáo khoa bằng ni lông và đặt lên giá để giữ cho học sinh khóa sau học tiếp. Bằng tấm lòng của những người cha, người mẹ, họ không chỉ tận tâm dạy chữ mà còn chăm sóc, dạy phục hồi chức năng cho trẻ mắc đa tật khiếm thị, câm, tự kỷ… Nhờ sự nỗ lực của các giáo viên, nhiều năm liền trung tâm được đánh giá là một trong những mô hình học tập, phục hồi chức năng tốt nhất cho học sinh khiếm thị trên cả nước. Hằng năm, 100% số học sinh tiểu học, THCS, THPT đạt yêu cầu, học sinh tiên tiến chiếm từ 20-50%. Tập thể giáo viên của trung tâm nhiều lần được Trung ương Hội Người mù Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.  Thu nhập ngày càng thấp Công việc nhiều khó khăn, vất vả, nhưng 5 năm gần đây, các giáo viên ở đây không được tính lương theo ngạch, bậc cũng như tăng lương định kỳ. Nguyên nhân do các cơ quan chức năng chưa xác định được loại hình của trung tâm. Trung tâm được thành lập năm 2007, đến năm 2008, Sở Nội vụ có Công văn số 794/SNV-CCHC đồng ý cho trung tâm hợp đồng 12 biên chế (gồm 5 giáo viên dạy văn hóa, 4 giáo viên dạy nghề và 3 nhân viên phục vụ). Ngày 29.4.2009, Sở Nội vụ có Công văn số 237/SNV-CCHC đồng ý bổ sung 7 giáo viên hợp đồng lao động trên cơ sở nguồn kinh phí được giao của trung tâm. Ngày 5.2.2010, liên ngành Sở Tài chính và Sở Nội vụ đã có biên bản thống nhất chỉ tiêu giáo viên và nhân viên phục vụ của trung tâm. Căn cứ đề án thành lập trung tâm, các văn bản nêu trên và hằng năm được UBND tỉnh cấp kinh phí hoạt động, trung tâm đã tổ chức ký kết hợp đồng lao động dài hạn với 12 cán bộ, giáo viên, nhân viên được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP có ngạch, bậc, hệ số, tăng lương, thăng ngạch và được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi 70%; phụ cấp độc hại nguy hiểm hệ số 0,2. Ký hợp đồng lao động ngắn hạn với 7 người, trả tiền công hằng tháng theo thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, ngày 24.4.2017, Kho bạc Nhà nước tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 258/KBHD-KTNN về việc tạm dừng thanh toán lương cho trung tâm vì đơn vị không có văn bản phê duyệt chỉ tiêu biên chế do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đề xuất của Hội Người mù tỉnh, ngày 2.6.2017, Sở Nội vụ đã tổ chức cuộc họp liên ngành nội vụ - lao động - tài chính - kho bạc và Hội Người mù tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trung tâm. Theo kết luận của cuộc họp liên ngành thì trung tâm được xác định là đơn vị trực thuộc hội, chưa xác định là đơn vị sự nghiệp công lập nên không được giao biên chế và yêu cầu trung tâm thay đổi hợp đồng lao động từ hợp đồng chế độ tiền lương theo ngạch bậc của cán bộ, giáo viên, nhân viên đã ký trước đây sang chế độ tiền công và giữ nguyên mức hưởng này cho đến nay. Như vậy, từ tháng 4.2017 đến nay, người lao động trung tâm không được tăng lương theo trình độ đào tạo và cũng không tăng mức lương cơ sở. Vì là hợp đồng lao động theo chế độ tiền công nên người lao động được yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ bản vùng dành cho khối doanh nghiệp. Do mức đóng này khác so với mức đóng bảo hiểm của trung tâm đang thực hiện nên trung tâm có 10 trong tổng số 12 lao động có mức đóng bảo hiểm thực tế cao hơn mức đóng mà ngân sách cấp dẫn đến tiền lương thực tế của họ giảm. Giáo viên cũng phải làm việc vào thứ bảy hằng tuần nhằm tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Ngoài khoản tiền công hiện tại, các giáo viên ở đây không có bất cứ khoản thu nhập nào khác. Được biết, từ năm 2017 đến nay có nhiều cuộc họp liên ngành được tổ chức nhằm xác định loại hình của trung tâm nhưng chưa có kết quả.  BÌNH AN