Đức xem xét tăng trợ cấp cho nhà máy sản xuất chip Intel của Mỹ
Chính phủ Đức có thể sẽ tăng hỗ trợ cho nhà máy sản xuất chip Intel của Mỹ với số tiền lên tới gần 10 tỷ euro, cao hơn nhiều so với mức dự kiến trước đây.
Thủ khoa Sư phạm Lý giành ba học bổng tiến sĩ Mỹ
Một nửa người Mỹ lo sợ AI cướp công việc
Nhà mạng Hàn Quốc hợp tác với công ty Mỹ phát triển trí tuệ nhân tạo
Biểu tượng Intel tại trụ sở của hãng ở Santa Clara, bang California, Mỹ
Tập đoàn Intel của Mỹ và Chính phủ Đức đã đồng ý tăng trợ cấp của nhà nước cho nhà máy sản xuất chip ở Magdeburg. Theo các nguồn thạo tin, nhà máy mới này dự kiến sẽ nhận được 9,9 tỷ euro thay vì 6,8 tỷ euro như đã cam kết trước đây. Các cuộc đàm phán cuối cùng giữa đại diện Intel và Chính phủ Đức sẽ diễn ra vào cuối tuần này, sau đó Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger dự kiến sẽ ký một thỏa thuận liên quan tại Văn phòng Thủ tướng Đức vào ngày 19.6.
Bộ trưởng Kinh tế liên bang Robert Habeck thuộc đảng Xanh và các quan chức khác thời gian qua đã làm việc tích cực để có thể nâng khoản trợ cấp cũng như thuyết phục Intel xây dựng nhà máy tại bang Sachsen-Anhalt, bởi việc xây dựng dự án này sẽ có tầm quan trọng lớn đối với quá trình chuyển đổi và chủ quyền công nghệ của Đức. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) nhiều lần nhấn mạnh rằng ông sẽ từ chối các khoản trợ cấp cao hơn cho Intel vì ngân sách đã cạn tiền. Vấn đề hiện đã được giải quyết vì các quỹ bổ sung cho Intel không được tài trợ từ ngân sách liên bang mà thông qua một quỹ đặc biệt do Bộ trưởng Habeck chịu trách nhiệm điều hành. Việc giải quyết như vậy sẽ không tạo thêm gánh nặng cho việc lập kế hoạch ngân sách, điều vốn gây tranh cãi trong liên minh cầm quyền ở Đức thời gian qua. Bên cạnh đó, giới chức Đức liên quan tới dự án trên cũng đã tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp năng lượng ở nước này. Nguồn cung cấp điện rẻ hơn có thể khiến việc dàn xếp ở Magdeburg trở nên hấp dẫn hơn đối với Intel.
Intel có kế hoạch xây dựng một nhà máy lớn ở Magdeburg. Khi kế hoạch bắt đầu vào mùa Xuân năm 2021, khoản đầu tư trị giá 17 tỷ euro ban đầu được đề cập, nhưng trong thời gian chờ đợi, Intel lên kế hoạch đầu tư tới 27 tỷ euro cho nhà máy này. Chi phí đầu tư tăng một mặt được cho là có liên quan đến việc tăng chi phí xây dựng, song điều quan trọng hơn là do Intel muốn sử dụng công nghệ hiện đại hơn so với kế hoạch trước đó. Điều này đã khiến Intel đề nghị tăng trợ cấp lên khoảng 10 tỷ euro.
Trường hợp của Intel là ví dụ điển hình cho cuộc tranh luận về định hướng chính sách công nghiệp ở Đức, trong đó vấn đề chính là các chính trị gia nên cố gắng như thế nào để thuyết phục các công ty nước ngoài xây dựng nhà máy của họ ở Đức với sự hỗ trợ từ các khoản trợ cấp. Intel đã hoãn việc khởi công xây dựng ở Sachsen-Anhalt từ nửa đầu năm 2023 sang năm 2024. Dây truyền sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2027 hoặc 2028.
Tại nhà máy ở Đức, Intel có thể sẽ sử dụng thế hệ mới của công nghệ EUV do công ty ASML của Hà Lan sản xuất. Các thiết bị máy móc liên quan có giá hàng trăm triệu euro mỗi chiếc và có thể giao hàng từ giữa thập niên này. EUV là viết tắt của ánh sáng "siêu cực tím", là ánh sáng có bước sóng cực ngắn ở dải tia cực tím mà chất bán dẫn được quét. Chỉ có công nghệ này của ASML mới có thể sản xuất chip thuộc thế hệ tiên tiến nhất với kích thước cấu trúc dưới 5 nanomet. Chúng được sử dụng cho điện thoại thông minh và máy tính mới nhất.
Theo TTXVN