Điểm thi vào lớp 10 thấp- không bất ngờ 

BTN - Giới chuyên môn phân tích, có nhiều nguyên nhân điểm thi vào lớp 10 thấp, trong đó có việc học trực tuyến kéo dài.

Mới đây, Sở GD&ĐT đã công bố kết quả tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 đối với các trường tuyển sinh bằng hình thức thi kết hợp xét tuyển. Điều dễ nhận thấy trong kỳ tuyển sinh này là điểm bài làm của thí sinh rất thấp. Giới chuyên môn phân tích, có nhiều nguyên nhân điểm thi vào lớp 10 thấp, trong đó có việc học trực tuyến kéo dài.

Tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, kết quả thống kê cho thấy có hàng chục thí sinh bị điểm liệt môn chuyên, trong đó có trường hợp chỉ được 0,25 điểm hoặc 1 điểm. Theo quy chế, thí sinh nào làm bài thi môn chuyên được từ 2 điểm trở xuống bị coi là điểm liệt. Có trường hợp điểm bài thi không chuyên rất cao nhưng môn chuyên lại bị điểm liệt. Những trường hợp bị điểm liệt môn chuyên coi như không trúng tuyển vào trường chuyên.

Ở các trường THPT đại trà (tuyển sinh bằng hình thức thi kết hợp xét tuyển) như Lý Thường Kiệt, Tây Ninh, Nguyễn Trãi… có nhiều thí sinh bị điểm 0 hoặc chỉ có 0,25 điểm, trong đó, Tiếng Anh vẫn là môn thi có điểm thấp hơn so với Toán và Ngữ văn.

“Ngoài những nguyên nhân chung, việc nhiều thí sinh thi vào trường chuyên bị điểm liệt có một yếu tố khác: công tác tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 9 chưa thật tốt. Lẽ ra những em có học lực không thật sự nổi bật không nên thi vào trường chuyên”- một giáo viên của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha phân tích.

Bằng các số liệu của kỳ thi tuyển sinh, đại diện Phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin thuộc Sở GD&ĐT cho biết, học trực tuyến kéo dài là một trong những nguyên nhân chính khiến điểm bài làm của thí sinh thấp.

“Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học kỳ I học sinh phải học trực tuyến, điều này ảnh hưởng chất lượng giáo dục đào tạo. Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay giảm khoảng 20% độ khó so với những năm trước, có những bài toán ở mức độ cơ bản nhất nhưng nhiều thí sinh không làm được”- đại diện đơn vị này cho biết.

Một hiện tượng khác không thể không nêu: điểm trung bình môn học kỳ I của năm học 2021-2022 ở nhiều trường cao hơn khoảng 30% so với cùng thời điểm của năm học trước, trong khi cả học kỳ I học sinh học trực tuyến. Kết quả thống kê về học lực cũng cho thấy có sự chênh lệch không nhỏ giữa điểm bình quân môn học của bốn năm (lớp 6, 7, 8, 9) và điểm thi.

Đơn cử, có thí sinh điểm bình quân bốn năm hơn 7 điểm nhưng bài thi môn Ngữ văn chỉ được 2,5 điểm. Thậm chí có thí sinh điểm bình quân hơn 8 điểm (loại giỏi) nhưng khi thi vào lớp 10, có 2 trong tổng số 3 môn thi dưới 5 điểm.

Thí sinh dự thi vào lớp 10, năm học 2022-2023.

Như vậy, có thể thấy, kết quả xếp loại học lực ở trường THCS và điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 có khoảng cách khá xa. Dưới góc nhìn thuần tuý chuyên môn, hiện tượng này không phải điều gì mới, nó đã xuất hiện từ nhiều kỳ tuyển sinh trước đây.

Điều này cũng tương tự như điểm học lực của học sinh THPT với điểm thi tuyển sinh đại học. Ngoài chuyện đề bài khó dễ khác nhau về yêu cầu kiến thức, khâu kiểm tra, đánh giá ở bậc học giáo dục phổ thông vẫn bị cho là độ tin cậy thấp. Trong bài viết đăng báo Tây Ninh cách nay chưa lâu, khi học sinh mới trở lại trường học trực tiếp, nhiều ý kiến của giáo viên, hiệu trưởng chỉ ra rằng, hầu hết các bài kiểm tra trực tuyến điểm rất cao, trong khi điểm kiểm tra trực tiếp lại thấp.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, năm học 2022 - 2023, các trường THPT tuyển hơn 71% học sinh tốt nghiệp THCS, số học sinh còn lại sẽ học ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và một số trường dạy nghề.

Qua đó có thể rút ra, dịch bệnh kéo dài, việc học trực tiếp bị gián đoạn, khâu kiểm tra đánh giá, xếp loại là yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả bài làm của thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay. Việc giảng bài qua mạng thực tế hiệu quả không cao.

Có hai nguyên nhân cơ bản: dạy qua mạng hoặc xem qua truyền hình chỉ là hình thức dạy học một chiều (từ phía người dạy), tính tương tác thấp hoặc không có; người dạy không kiểm soát được học sinh. “Có học sinh mở máy tính lên rồi để đó, giáo viên đâu làm gì được. Mặt khác, tuy mạng internet phổ biến nhưng không phải gia đình nào, học sinh nào cũng có điều kiện để học qua mạng.

Học qua mạng đòi hỏi tính tự giác cao của người học, trong khi đại đa số học sinh vẫn học theo kiểu truyền thống, thụ động”- một giáo viên nêu ý kiến. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên, dạy học qua môi trường mạng là một vấn đề mới, còn nhiều việc phải làm và rất lâu nữa, giáo dục Việt Nam mới có thể vận hành dạy học trực tuyến một cách trơn tru, đúng nghĩa.

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Kiến thức của học sinh ở tất cả các cấp học, bậc học đứt gãy nghiêm trọng. Phải mất rất nhiều thời gian nữa, ngành giáo dục mới có thể khôi phục được việc dạy và học một cách bình thường.

Việt Đông