Để chuyển đổi số thành công, phải thay đổi tư duy của toàn bộ tòa soạn
Phá bỏ sự lệ thuộc vào sách giáo khoa là điều tất yếu
Học viện Báo chí và Tuyên truyền khai giảng năm học mới 2022-2023
Thêm 4 chương trình đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được kiểm định
Ngày 4.11, tại Thanh Hóa, Báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập 2022: Chuyển đổi số - xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?
Đây là dịp để các nhà báo trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng thảo luận làm rõ những vấn đề mang tính tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; gần 60 Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng các đại biểu tham dự.
Diễn đàn có ba nội dung chính gồm: thực trạng và xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam; Chuyển đổi số là “cuộc chơi” dành cho những cơ quan báo chí “nhà giàu;” Đưa ra những kiến nghị, giải pháp, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Chính phủ đã phê duyệt.
Các đại biểu cũng đã thảo luận: Làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi số báo chí, chuyển đổi theo hướng nào, bài toán kinh phí, công nghệ sẽ được giải ra sao - những điều mà nhiều các cơ quan báo chí Việt Nam đang trăn trở.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: “Từ đầu đến năm nay, chuyển đổi số báo chí đã trở thành chủ đề rất nóng. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Sự quan tâm của các cơ quan báo chí với vấn đề này càng ngày càng tăng, rõ ràng là chúng ta không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số.
Cả nước đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng trong quá trình này. Nếu không muốn mất độc giả, khán thính giả và quan trọng hơn nếu không đi theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình là đưa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với những độc giả, trong nước và quốc tế."
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng mong muốn, chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mới mà cần phải được lan tỏa, triển khai đến các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương, mà ở các cơ quan báo chí địa phương...
Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định lại rằng, chuyển đổi số thành công hay không phải là nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề tư duy, phải thay đổi tư duy của người đứng đầu cho đến toàn bộ tòa soạn thì mới thành công."
Tham luận tại diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Điện tử Vietnamnet cho biết: Khởi đầu cho việc chuyển đổi số là rất khó khăn vì công ty công nghệ lớn không mặn mà với việc hợp tác với báo chí, hoặc đưa ra mức giá đề nghị quá cao.
Hơn nữa tại Việt Nam, các công ty công nghệ chuyên sâu về lĩnh vực báo chí vẫn không nhiều. Cũng theo ông Tuấn, các cơ quan báo chí thường rất hào hứng với “chuyển đổi,” song khi đến phần “số” thì vấp phải nhiều khó khăn, do xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số rất phức tạp và đắt đỏ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ở cơ quan báo chí là con đường không thể khác để phát triển báo chí.
Diễn đàn Tổng Biên tập 2022 tại Thanh HóaTại diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí Việt Nam, là một trong những yếu tố rất quan trọng để giải bài toán tồn tại của mỗi cơ quan báo chí.
Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, để từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.
Điều trăn trở của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí là câu chuyện “bệ đỡ” về cơ sở pháp lý, về đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực từ Nhà nước và các cơ quan chức năng cho các cơ quan báo chí.
Theo Vietnam+