Đã sẵn sàng dùng căn cước công dân gắn chip thay thẻ ATM?

An toàn, bảo mật, tiện lợi… là những cụm từ mô tả khi đề cập đến việc sẽ sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay thế thẻ ATM để giao dịch tại hệ thống các máy ATM.
Rút tiền từ máy ATM bằng căn cước công dân gắn chip đã mang lại trải nghiệm mới lạ, hiện đại đối với khách hàng dù chỉ đang thí điểm triển khai tại Hà Nội, Quảng Ninh (ảnh minh họa) Song việc áp dụng hình thức giao dịch mới này vẫn còn một số khó khăn. Tất cả trong một Tham gia trải nghiệm tính năng giao dịch bằng CCCD gắn chip tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) do Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) tổ chức vài tháng trước, anh Lê Thanh Nghị, một người dân Hải Dương đang sinh sống và làm việc tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thấy thật ấn tượng. Thay vì chỉ sử dụng duy nhất mật khẩu để xác nhận thông tin khi rút tiền bằng thẻ ngân hàng, với CCCD gắn chip, sau khi khách hàng quét thẻ căn cước tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin. “Việc xác thực thông tin chính chủ tài khoản thông qua đối chiếu dữ liệu sinh trắc học bằng quét khuôn mặt và vân tay sẽ hạn chế tối đa nguy cơ giả mạo có thể xảy ra. Điều này sẽ tăng tính an toàn, bảo mật đối với tài khoản ngân hàng”, anh Nghị chia sẻ. Yêu thích công nghệ số, chị Đỗ Thị Thu (ở xã Toàn Thắng, Gia Lộc) đã tìm hiểu rất nhiều thông tin liên quan đến việc sử dụng CCCD gắn chip thay thế thẻ ATM. Khi các ngân hàng triển khai sử dụng CCCD gắn chip cũng đồng nghĩa sẽ không cần phát hành thẻ ATM cho khách hàng. Theo chị Thu, việc này sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm một khoản tiền đáng kể để tái đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. “Hãy thử tưởng tượng ngày nào đó, trong ví của bạn không còn chiếc thẻ ATM nào mà thay vào đó, mọi thứ được sử dụng chỉ thông qua duy nhất CCCD gắn chip. Cuộc sống số là đây chứ đâu”, chị Thu hào hứng nói. Bằng việc ứng dụng giải pháp xác thực thông tin từ chip gắn trên thẻ để đọc và xác thực dữ liệu từ CCCD gắn chip với dữ liệu thông tin của khách hàng tại ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện giao dịch rút tiền mặt từ nguồn thẻ ghi nợ nội địa của khách hàng tại điểm giao dịch ATM bằng CCCD gắn chip. Thời gian hệ thống xác thực thông tin khách hàng chưa đến 10 giây, thời gian khách hàng có thể thực hiện xong giao dịch rút tiền chưa đến 2 phút. Thiết bị đọc chip trên CCCD tại máy ATM không lưu giữ thông tin của công dân. Do đó việc rút tiền sẽ bảo đảm tính bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân, không xảy ra tình trạng lộ lọt thông tin khi thực hiện giao dịch.   Chi phí đầu tư hệ thống ATM thế hệ mới để tương thích công nghệ rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip là một trong những trở ngại lớn (ảnh BIDV Thành Đông cung cấp) Giải "bài toán" hạ tầng, nền tảng Rút tiền từ hệ thống ATM bằng CCCD gắn chip đã và đang mang lại rất nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân, dù mới được một số ngân hàng triển khai thí điểm tại một số khu vực ở Hà Nội và Quảng Ninh. Tuy nhiên, hình thức giao dịch ngân hàng mới mẻ này đang vấp phải một số khó khăn, vướng mắc. Bà Phạm Thị Vân (ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) băn khoăn rằng thẻ ATM kết nối trực tiếp với dữ liệu tài khoản ngân hàng nên chưa bao giờ xảy ra lỗi khi rút tiền, nhưng CCCD gắn chip phải thông qua liên kết dữ liệu công dân, nếu hệ thống trong trường hợp nào đó gặp sự cố thì đương nhiên không thể rút tiền. “Hơn nữa, với thẻ ATM, trường hợp cần thiết có thể nhờ người thân rút tiền hộ, nhưng với CCCD gắn chip thì không thể nhờ như vậy. Tôi vẫn thích dùng thẻ ATM hơn”, bà Vân nói. Một trong những trở ngại lớn khi triển khai rút tiền bằng CCCD gắn chip là bảo đảm sự tương thích từ hệ thống ATM. Như đã nêu, khi rút tiền bằng CCCD gắn chip, khách hàng phải đặt căn cước trên máy đọc thẻ, sau đó kiểm tra sinh trắc học bằng bộ phận camera cảm biến. Đây là những thiết bị chỉ có trên ATM thế hệ mới. Ông Trương Trung Hiếu, Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân Ngân hàng BIDV, chi nhánh Thành Đông nhận định: “Để triển khai phổ biến hình thức rút tiền bằng CCCD gắn chip, hoặc phải thay mới các máy ATM hiện tại, hoặc phải tìm giải pháp tích hợp kỹ thuật mới. Cả 2 việc này đều tốn không ít thời gian và kinh phí”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi máy ATM đang sử dụng có mức giá dao động từ 900 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Máy ATM thế hệ mới chắc chắn sẽ có mức giá cao hơn. Do đó mức chi phí để các ngân hàng thay mới toàn bộ hơn 330 máy ATM trong tỉnh sẽ rất lớn. “Chưa kể, thẻ ATM có thể sử dụng đối với máy POS ở các siêu thị, điểm bán lẻ, CCCD gắn chip chưa chắc sử dụng được vì những máy POS này không thể kiểm tra sinh trắc học”, chị Đỗ Minh Hải, Trưởng Phòng Bán lẻ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hải Dương nói. Theo kỳ vọng, hình thức rút tiền bằng CCCD gắn chip sẽ hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp của cán bộ, loại bỏ các rủi ro, sai sót so với kiểm tra đối chiếu chứng minh thư thông thường; tăng tính bảo mật, góp phần giảm thiểu nguy cơ bị chiếm tài khoản khi mất thẻ ATM đối với khách hàng. Song hình thức rút tiền mới này cần cân nhắc trên nhiều phương diện nếu muốn triển khai phổ biến trong tương lai. Theo đại diện một số ngân hàng trong tỉnh, nên áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp. Một mặt, duy trì việc phát hành thẻ ATM với khách hàng có nhu cầu, đẩy mạnh hình thức rút tiền bằng mã QR. Mặt khác, lắp đặt bổ sung một số máy ATM thế hệ mới tại những khu vực đô thị, điểm tập trung đông dân cư để phục vụ người dân có nhu cầu rút tiền bằng CCCD gắn chip.   Hướng dẫn quy trình sử dụng căn cước công dân gắn chip để rút tiền thay thế thẻ ATM   HÀ KIÊN