Đài truyền thanh thông minh, mô hình cần nhân rộng

Một số địa phương ở Hải Dương đang áp dụng mô hình đài truyền thanh thông minh mang lại hiệu quả cao.
Chị Cao Thị Oanh, cán bộ Đài Truyền thanh xã Quang Phục (Tứ Kỳ) kết nối đài truyền thanh thông minh với đài truyền thanh có dây để phát song song trên 2 hệ thống "Thính giả ở đâu, truyền thanh ở đó" Ngày 21.7 vừa qua, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) lần đầu tiên tường thuật trực tiếp kỳ họp HĐND xã trên đài truyền thanh thông minh với tín hiệu thu phát tốt, tiếng to rõ ràng, cụm loa hoạt động gần như liên tục cả ngày nhưng vẫn ổn định. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Thế Thìn, Trưởng Đài Truyền thanh xã Tân Kỳ khi giới thiệu cho chúng tôi về hệ thống truyền thanh thông minh xã mới sử dụng từ tháng 5.2023. Anh Thìn cho biết để tường thuật trực tiếp chỉ cần vài thao tác đơn giản từ thu tín hiệu âm thanh ở hội trường, truyền qua thiết bị số hóa, trước khi tự động đẩy lên kho dữ liệu điện toán đám mây (Cloud server), rồi vào hệ thống quản lý truyền thanh thông minh chọn tính năng phát trực tiếp. Âm thanh phát ra loa không bị trễ so với sự kiện đang diễn ra. Hệ thống truyền thanh thông minh có đầy đủ tính năng của truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh sóng ngắn FM, nhưng có nhiều ưu điểm nổi bật hơn như không tốn diện tích đặt bộ thu phát, thiết bị tăng âm, phụ trợ, không phải dùng dây để truyền tín hiệu âm thanh. Có thể đặt cụm loa ở mọi nơi có nguồn điện và cán bộ đài truyền thanh có thể vận hành hệ thống ở bất cứ đâu. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) cho biết mấy năm trước trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, người dân ở xa trung tâm xã thường thắc mắc xóm không có loa truyền thanh hoặc loa ở xa nên nghe rất nhỏ (do khả năng đi dây tín hiệu âm thanh chỉ trong phạm vi từ 3-5 km). Từ năm 2019, xã được chọn lắp thử nghiệm đài truyền thanh thông minh, chạy song song với hệ thống truyền thanh truyền thống nên đã phủ sóng đến toàn bộ các khu vực trong xã. Chị Nguyễn Thị Hiền, công chức văn hóa-xã hội xã Hiệp Hòa cho biết nhờ có 17 cụm loa thông minh, nhiều cụm loa lắp tại địa bàn các xóm vùng sâu, vùng xa nên xã đã tuyên truyền kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. "Đài truyền thanh thông minh có nhiều tiện ích như có thể đặt lịch phát sóng, tiếp sóng; tự động chuyển đổi từ nội dung văn bản sang giọng nói với nhiều giọng đọc chuẩn nam hoặc nữ theo vùng miền. Việc quản trị hệ thống này được thao tác dễ dàng trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính nên tôi hoàn toàn yên tâm dù đi đâu xa vẫn có thể làm việc được", chị Hiền nói. Một số ưu điểm khác của đài truyền thanh thông minh là theo dõi được trạng thái của từng cụm loa đang hoạt động hay bị hỏng để sửa chữa kịp thời; kiểm soát các bản tin được phát tới từng cụm loa; tín hiệu ổn định, không bị chèn sóng, đè sóng hoặc nhiễu khi có mưa bão. Chị Nguyễn Thị Hiền, công chức văn hóa-xã hội xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) lập lịch phát sóng tự động trên hệ thống truyền thanh thông minh Nâng cao hiệu quả truyền thanh Quang Phục và Tân Kỳ là 2 xã đầu tiên của huyện Tứ Kỳ được lựa chọn áp dụng mô hình đài truyền thanh thông minh. Mỗi xã được huyện hỗ trợ 100 triệu đồng lắp đặt 1 cụm loa thông minh gồm 4 loa thành phần, 1 thiết bị thu phát tín hiệu được gắn SIM 4G để kết nối mạng internet. Tuy nhiên, để phủ sóng khắp các thôn, xóm, mỗi xã phải có hơn 10 cụm loa thông minh nên hiện nay 2 xã này phải vận hành song song 2 hệ thống truyền thanh có dây và truyền thanh thông minh. Anh Nguyễn Đức Thăng, công chức văn hóa-xã hội, phụ trách Đài Truyền thanh xã Quang Phục cho biết do áp dụng công nghệ hiện đại nên thời gian đầu cán bộ đài truyền thanh còn bỡ ngỡ, gặp một số trục trặc nhỏ, nhưng sau hơn 2 tháng vận hành đến nay ai cũng sử dụng thành thạo, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. "Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn huyện, xã tiếp tục quan tâm đầu tư mua sắm thêm thiết bị để thay thế toàn bộ hệ thống truyền thanh có dây sang dùng hệ thống truyền thanh thông minh", anh Nguyễn Đức Thăng bày tỏ. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện trên địa bàn Hải Dương mới có 5 xã, phường áp dụng mô hình truyền thanh thông minh gồm 4 xã Quang Phục, Tân Kỳ cùng huyện Tứ Kỳ, Hiệp Hòa (Kinh Môn), Hồng Phong (Nam Sách) và phường Trần Phú (TP Hải Dương). Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết công tác truyền thanh cơ sở luôn được các cấp, các ngành quan tâm vì đây là kênh thông tin quan trọng, có sức mạnh truyền tải thông tin đến với người dân trên diện phủ sóng rộng nhất, trực tiếp và nhanh nhất. Thực hiện chuyển đổi số, một số địa phương đã áp dụng mô hình đài truyền thanh thông minh và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng công tác truyền thanh của địa phương. Do đó mô hình này cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh bằng nhiều nguồn lực từ trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa. Trước mắt cần ưu tiên đầu tư thêm cho những xã đang vận hành thử nghiệm để đồng bộ hệ thống và những xã phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong toàn tỉnh. VĂN NGHIỆP - NGUYỄN THẢO