Chuyển động từ Đề án 06

Hải Dương đã có những chuyển động tích cực về nhận thức, hành động sau một năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).

Công an huyện Nam Sách đẩy mạnh việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử. Ảnh: Vĩnh Hồng

Làm thủ tục hành chính nhanh gọn hơn Nhiều tháng nay, chị Đoàn Thị Hòa ở xã An Đức (Ninh Giang) thấy việc đi làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Thủ tục này vốn dĩ khá phức tạp, đòi hỏi nhiều loại giấy tờ khác nhau. Từ khi dịch vụ này được làm trực tuyến, chị Hòa chụp các loại giấy tờ ở nhà sau đó nhập vào phần mềm giải quyết thủ tục công trực tuyến. Đến ngày hẹn giải quyết thủ tục, chị chỉ cần mang bản chính của một số loại giấy tờ lên đối chiếu và chờ ngày nhận kết quả. Cũng như chị Hòa, từ ngày nhiều dịch vụ công thiết yếu được giải quyết trực tuyến, người dân đã tự giải quyết thủ tục hành chính tại nhà mà không phải đến cơ quan chức năng. Đầu tháng 12, chị Lò Thị Thảo ở huyện Sông Mã (Sơn La) đến làm việc tại một công ty trong khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng). Khi vào làm, chị Thảo được công ty hướng dẫn cách đăng ký lưu trú trực tuyến với Công an xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng). Sau đó, chị Thảo tải ứng dụng về điện thoại thông minh, khai báo các thông tin và chuyển hồ sơ. Công việc này chỉ cần vài phút, trong khi như trước đây, phải đến tận trụ sở công an khai báo rất tốn thời gian, công sức. Theo Công an xã Cẩm Phúc, địa phương hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động, thu hút lượng lớn công nhân đến làm việc. Lực lượng này thường xuyên biến động. Có công ty từ đầu năm đến nay có khoảng 1.000 người lao động đến và đi. Mấy tháng nay, thực hiện đăng ký lưu trú, tạm trú, thường trú trực tuyến mang lại nhiều lợi ích, nhất là giúp người dân không phải thu xếp công việc để đến cơ quan công an. Cơ quan công an cũng không lo việc bố trí đón tiếp công dân khi diện tích trụ sở, khuôn viên còn hạn chế. Thời gian qua, để thực hiện nhiệm vụ phục vụ phát triển công dân số, cơ quan công an các cấp của tỉnh không quản ngại khó khăn, vất vả thực hiện công tác làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm 100% dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". 100% số công dân của tỉnh đã được thông báo số định danh cá nhân. Hết tháng 11, cơ quan công an đã thu nhận được 451.051 hồ sơ định danh điện tử, hơn 1,6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip. "Các công việc này được ngành công an thực hiện quyết liệt, không kể thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, trong và ngoài giờ hành chính", thượng tá Phạm Chiến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) chia sẻ.           Nỗ lực  Thời gian đầu triển khai Đề án 06, không ít lãnh đạo, người đứng đầu của nhiều ngành, địa phương còn lúng túng, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Sau khi UBND tỉnh vào cuộc quyết liệt, đến nay các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tác dụng to tớn của Đề án 06, từ đó huy động sức mạnh của hệ thống chính trị vào cuộc. Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả; yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên gương mẫu, đi đầu. Đồng chí Vũ Quang Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết lãnh đạo huyện thường xuyên rà soát, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, chính quyền các địa phương chỉ đạo các ngành, phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền, vận động, đưa đón người già yếu, bệnh tật đi làm hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Những tháng qua, đứng trước nhiều việc khó, khối lượng công việc lớn, nhiều sở, ngành đã tích cực nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ các tỉnh bạn để đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của đơn vị mình. Hiện nay, Sở Tư pháp phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng là số hóa dữ liệu hộ tịch với 1,73 triệu hồ sơ. Công việc này đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực cao. Để hoàn thành công việc này đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, rút kinh nghiệm thực hiện ở nhiều nơi, Sở Tư pháp đã đề ra phương án thực hiện bảo đảm hiệu quả, tránh việc số hóa nửa vời, phải làm đi làm lại gây tốn kém, lãng phí. Ngành thực hiện số hóa với cách thức song song giữa việc xây dựng dữ liệu điện tử, cập nhật dữ liệu hộ tịch lưu trữ bằng sổ giấy vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Đồng thời, tiến hành việc rà soát, đối chiếu, cập nhật dữ liệu và làm sạch dữ liệu hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; gắn số định danh cá nhân cho các trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất với thông tin trong sổ hộ tịch. Hết tháng 11.2022, Hải Dương là một trong 14 tỉnh đã hoàn thành kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Tỉnh cũng triển khai thực hiện 21 trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu trực tuyến của Đề án 06. 100% số cơ sở y tế của tỉnh thực hiện việc khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip; 94,22% số căn cước công dân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực; cập nhật 1.739.514 dữ liệu của người tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 vào cơ sở dữ liệu tiêm chủng Covid-19; 92,27% số hồ sơ học sinh, 90,26% số hồ sơ cán bộ, giáo viên hoàn thành kết nối, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

DANH TRUNG