Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Thanh Hà

Thời gian qua, nông dân Thanh Hà đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, giúp thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong tiêu thụ nông sản.

Ông Phạm Văn Giang ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn sử dụng thành thạo sổ nhật ký điện tử theo dõi vải

Với nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Thanh Hà đã tích cực áp dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng và tiêu thụ nông sản. Đây cũng là địa phương điển hình áp dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.  Thay đổi tư duy sản xuất  Là địa phương nổi tiếng với đặc sản vải thiều Thanh Hà, ổi Liên Mạc… thời gian qua, sự phát triển của công nghệ hiện đại giúp nông dân Thanh Hà xóa ranh giới về địa lý, tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp. Nhiều hộ nông dân đã đưa vải thiều Thanh Hà, ổi Liên Mạc, bưởi đào Thanh Hồng lên “chợ điện tử” Lazada, Sendo, Voso… Nông dân Thanh Hà cũng khai thác hiệu quả mạng xã hội Facebook để quảng bá, chào hàng nông sản. Chị Lương Thị Cúc ở xã Liên Mạc đã bán ổi trên mạng xã hội được khoảng 5 năm nay và đưa ổi lên 2 sàn thương mại điện tử Sendo, Lazada 2 năm nay. Ổi của gia đình chị sản xuất theo quy trình VietGAP, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Nhờ biết tận dụng công nghệ để bán hàng, ổi của gia đình chị Cúc lúc nào cũng tiêu thụ thuận lợi, cả khi giá thấp. Nếu như trước đây ông Phạm Văn Giang ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn luôn bận rộn ghi chép thông tin chăm sóc vải vào từng quyển sổ thì nay các quy trình đã được cập nhật trên nhật ký điện tử. Sau khi cập nhật các dữ liệu, ông Giang và cán bộ nông nghiệp huyện, tỉnh cũng có thể giám sát được quá trình chăm sóc vải. Vườn vải của gia đình ông Giang được cấp mã QR nên khi khách hàng mua vải rất thuận tiện truy xuất nguồn gốc. Hầu hết vải ở những vùng được cấp mã vùng trồng và mã QR đều được lựa chọn xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính. Theo ông Giang, nhờ áp dụng các phần mềm điện tử, quá trình quản lý sản xuất của gia đình ông khoa học hơn. Ông có thể cài đặt thời gian phun thuốc bảo vệ thực vật, cắt tỉa cành cây... Lợi thế của nông dân Thanh Hà là trên địa bàn huyện còn được lắp đặt Trạm khí tượng thông minh iMetos tại xã Thanh Quang. Trạm có chức năng giám sát các thông số thời tiết như gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, bức xạ mặt trời, độ ướt lá cây, độ ẩm đất. Từ đó đưa ra dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai, những quy luật tác động của thời tiết đến sự bùng phát của sinh vật gây hại, đưa ra biện pháp quản lý tưới tiêu và bón phân cho cây trồng. Việc này giúp nông dân chủ động hơn trong nắm bắt thời tiết, điều chỉnh sản xuất. Nhiều thách thức Dù nỗ lực trong tiếp cận chuyển đổi số nhưng vẫn còn nhiều nông dân chưa nhận thức đúng về việc này, thậm chí có cả một bộ phận cán bộ ở cơ quan, đơn vị. Nhiều nông dân còn ngại thay đổi phương thức sản xuất. Ngân sách dành cho ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Ông Phạm Văn Giang cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là các mô hình quản trị minh bạch trong các chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm chưa phổ biến. Để thiết kế được các phần mềm phù hợp với nông dân và nhu cầu của chuỗi giá trị, các sản phẩm nông sản phải đa dạng, có sự liên kết với nhau. Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật được tổ chức thường xuyên nhưng chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất. Các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng rất khó thực hiện.  Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, hiện nay trên địa bàn có nhiều hộ canh tác nhỏ, vốn đầu tư ít, thiết bị cũ, lạc hậu. Điểm yếu phổ biến ở họ là thiếu hợp tác, liên kết, tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái trung gian.  Thời gian tới, huyện Thanh Hà tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo... về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn mới, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

MINH NGUYỆT