Chuyện các “nhà leo núi”
Nhiều học sinh của Hải Dương đã từng tham gia Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, sân chơi trí tuệ dành cho học sinh THPT. Mỗi người một vẻ nhưng có một điểm chung, cuộc thi đã cho họ những trải nghiệm góp ích vào hành trình tương lai.
Em Đỗ Đức Anh về nhì cuộc thi quý I “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 23
Nam sinh giành vòng nguyệt quế tháng đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia 2023
Hai câu hỏi lịch sử gây tranh cãi: Ban tổ chức Đường lên đỉnh Olympia lên tiếng
Từ thất bại trong "leo núi" đến đại học ở Mỹ
Tiến sĩ Phạm Thành Thái lọt vào danh sách gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi (Forbes Under 30) do tạp chí Forbes bình chọn năm 2018
Từ nhỏ, chàng trai quê Gia Lộc Phạm Thành Thái (sinh năm 1989) đã tỏ rõ tài năng toán học. Theo học Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, anh tiếp tục theo đuổi môn toán yêu thích và đã khẳng định bản thân khi giành 1 suất thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2006.
Anh Thái cho biết ngày đó, Đường lên đỉnh Olympia là một ước mơ với tất cả học sinh THPT. Được tham gia cuộc thi này anh rất hào hứng và đã nỗ lực hết mình để có kết quả cao nhất nhưng chỉ dừng lại ở vòng thi tuần với vị trí thứ nhì. Không vì thế mà anh nản lòng bởi điều cho anh ở cuộc thi này là sự cạnh tranh, biết thất bại để đứng lên. “Sự cố gắng là chìa khóa để bước ra thế giới tự khẳng định mình”, anh Thái nói.
Nhờ sự cố gắng đó, năm lớp 12 (năm 2007), anh đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế (IMO 48). Cùng năm này, anh còn giành giải thưởng toán học Lê Văn Thiêm (giải thưởng của Hội Toán học Việt Nam, tổ chức trao giải lần đầu vào năm 1990).
Nuôi giấc mơ tới Mỹ, trong thời gian học Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), anh đã tập trung ôn luyện tiếng Anh và giành học bổng du học toàn phần tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 2009. Sau đó, anh tiếp tục lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford. Năm 2018, anh được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi. Với tài năng của mình, anh đã vào làm tại nhiều tập đoàn lớn của thế giới như Amazon, Facebook và hiện tại là Google.
Đi để trở về
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Xuân Bách đang là Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Hà Nội)
“Tôi quan niệm Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc chơi hơn là một cuộc thi”, chàng trai quê vải thiều Thanh Hà Ngô Xuân Bách (sinh năm 1984), cựu học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi chia sẻ. Anh Bách thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2001, giành vị trí nhất tuần và dừng lại ở vị trí nhì tháng.
Anh Bách cho biết với những học sinh chuyên toán thì từ nhỏ đã dành hầu hết thời gian tuổi thơ cho việc giải toán và tham gia các kỳ thi học sinh giỏi toán, ít có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hơn 20 năm trước, khi internet và các thiết bị di động chưa phổ biến, học sinh hầu như không có cơ hội giao lưu, kết nối bạn bè. Do đó, việc tham gia Đường lên đỉnh Olympia là cơ hội quý, đặc biệt ở thời điểm đầu năm học lớp 12, trước khi bước vào các kỳ thi quan trọng nhất của lứa tuổi học trò.
Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), anh nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản. Nỗ lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân mỗi ngày, năm 2006, anh nhận giải thưởng Honda dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam, giải thưởng của Hiệp hội Kỹ sư điện, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông Nhật Bản năm 2011, giải thưởng cho nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông Nhật Bản năm 2013, giải thưởng cho luận án tiến sĩ xuất sắc của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản năm 2014…
Những tưởng sẽ ở lại Nhật Bản nhưng anh vẫn quyết định trở về Việt Nam cống hiến cho đất nước. Hiện anh là Phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Hà Nội). “Các bạn có thể ra nước ngoài học tập để mở mang kiến thức. Học xong có thể trở về nước hoặc làm việc tại nước ngoài, ở đâu cũng sẽ có cách đóng góp tích cực cho nước nhà”, anh Bách chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống
Đỗ Đức Anh đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế tuần 1, tháng 1 và vào vòng thi quý 1 Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23
Tiếp nối thành công của thế hệ đi trước, những học sinh sau này đang ra sức phấn đấu để viết tiếp những trang sử vàng thành tích học tập của Hải Dương.
Mới đây nhất là Đỗ Đức Anh, lớp 11 chuyên toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế tuần 1, tháng 1 và vào vòng thi quý 1 Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23. Ngoài thành tích này, Đức Anh còn đạt nhiều thành tích đáng nể khi còn học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương).
Dù chỉ dừng lại ở vòng thi quý với vị trí thứ hai nhưng Đức Anh không buồn mà em cho rằng cuộc thi cho em nhiều điều còn quý hơn cả vòng nguyệt quế. Em được mở rộng tầm mắt, tích lũy tri thức, kinh nghiệm và tạo động lực nỗ lực chinh phục những “đỉnh núi” cao hơn.
Ngoài 3 “nhà leo núi” trên, Hải Dương còn nhiều học sinh khác tham gia “Đường lên đỉnh Olympia”.
THẾ ANH