Chương trình giáo dục mầm non mới có gì?
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Chương trình được xây dựng theo tiếp cận năng lực, trong đó coi “Năng lực là những gì trẻ em có thể làm được sau quá trình giáo dục”.
Năng lực là thành phần cốt lõi tạo ra hệ giá trị con người, năng lực theo nghĩa rộng bao gồm cả các phẩm chất và năng lực chung, các năng lực đặc thù, có tính riêng. Các phẩm chất và năng lực nêu trên được thể hiện cụ thể ở kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, biểu thị những gì trẻ em ở độ tuổi đó có thể làm được.
Kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo có sự đồng tâm phát triển với nhau và kết quả mong đợi mẫu giáo bảo đảm liên thông với yêu cầu cần đạt ở Tiểu học. Dựa trên mục tiêu và kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ; mẫu giáo các địa phương và từng cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn nội dung giáo dục gần gũi với kinh nghiệm sống của trẻ em và phù hợp với bối cảnh văn hoá của gia đình, cộng đồng, địa phương để xây dựng các chủ đề giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, tổ chức cho trẻ em học qua chơi và trải nghiệm bằng phương pháp sư phạm tích hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và học tập của từng độ tuổi.
GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh các phẩm chất, giá trị cốt lõi, đó là: Yêu thương; tôn trọng; trung thực; trách nhiệm; Các năng lực chung: giao tiếp; hợp tác; giải quyết vấn đề; tự lực; thích ứng; Các năng lực đặc thù về Thể chất; Toán; Khoa học và công nghệ; Khám phá xã hội; Ngôn ngữ; Nghệ thuật, với kết quả mong đợi cuối giai đoạn Nhà trẻ; Mẫu giáo phù hợp với trẻ mầm non.
GS Lê Anh Vinh cho biết: Các nguyên tắc và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng chơi và trải nghiệm để hình thành năng lực cho trẻ mầm non. Cộng tác của các lực lượng giáo dục: Gia đình - Nhà trường (Trường mầm non, Trường Tiểu học) - Cộng đồng - Xã hội để bảo đảm thực hiện thành công quá trình sư phạm nhằm hình thành được khung kết quả mong đợi theo năng lực ở từng giai đoạn lứa tuổi.
Chương trình giáo dục mầm non mới tiếp cận Quyền trẻ em rõ nét hơn. Cụ thể, Quyền trẻ em theo Công ước Quốc tế năm 1989 và Luật trẻ em, 2016 ở Việt Nam, đều thống nhất nguyên tắc chung (Bảo đảm sự sống còn, tồn tại và phát triển của trẻ em ở mức tối đa; Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; Bảo đảm sự tham gia của trẻ em) và quan tâm đến 4 nhóm quyền: Quyền được sống còn; Quyền được bảo vệ; Quyền được phát triển; Quyền tham gia.
Khắc họa rõ hơn tiếp cận Quyền trẻ em vào Chương trình giáo dục mầm non thể hiện ở: Chương trình giáo dục mầm non cân đối giữa nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Mỗi trẻ em được tôn trọng phẩm giá của mình, được tôn trọng văn hoá gia đình và văn hoá cộng đồng trong Chương trình giáo dục mầm non dục. Các em học cách thể hiện sự tôn trọng với bản thân, với người khác, với văn hoá và với tự nhiên.
Chương trình củng cố các hành vi tích cực, hình thành và tăng cường ý thức trách nhiệm của trẻ, khuyến khích trẻ tham gia và suy nghĩ về những ảnh hưởng, chia sẻ, đồng cảm và khoan dung với người khác, tạo cơ hội cho trẻ thử nghiệm cách thay đổi hành vi để tôn trọng quyền của người khác, tôn trọng văn hoá và tự nhiên.
Mục tiêu và kết quả mong đợi trong Chương trình được thực hiện thông qua nguyên tắc, phương pháp sư phạm mầm non, cùng với các điều kiện giáo dục bảo đảm một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, mang tính hòa nhập, không phân biệt đối xử đối với trẻ em.
Điểm mới nữa là tính mở của chương trình: Chương trình giáo dục mầm non quốc gia là Chương trình khung, tuy nhiên, trong Chương trình có phép và hướng dẫn các địa phương, khu vực và từng cơ sở giáo dục mầm non phát triển Chương trình giáo dục mầm non phù hợp. Cách tiếp cận này cung cấp khả năng phát triển Chương trình dựa trên điều kiện, khả năng và nhu cầu cụ thể của các nhóm trẻ em khác nhau (trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt) của các khu vực và sự thay đổi của quá trình giáo dục tùy thuộc vào các đặc điểm cụ thể của khu vực, nhà trường và lớp học, đảm bảo sự tham gia của các lực lượng giáo dục trong phát triển Chương trình giáo dục mầm non.
Theo Báo Tin tức