Chuẩn hóa thuê bao di động, người dân được lợi gì?
Công cụ phát hiện các điểm truy cập WiFi lừa đảo, tránh lộ thông tin cá nhân
Giảm sim "rác" nhưng cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo vẫn lộng hành
Đề xuất định danh tài khoản người dùng Facebook, Zalo bằng số điện thoại
Theo yêu cầu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 31.3, tất cả các thuê bao di động đều phải có thông tin trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Khi đó, mỗi số điện thoại đều đại diện cho một cá nhân cụ thể, chính xác, rõ ràng. Mọi "hoạt động" của SIM sẽ gắn liền với người chủ sở hữu nó. Bảo vệ người dùng, hạn chế lừa đảo, quấy rối
Trong nhiều năm qua, không ít vụ việc tranh chấp SIM, thậm chí "cướp" SIM đều liên quan đến thông tin chủ sở hữu thuê bao.
Có người sau khi mua lại SIM số đẹp từ người khác hoặc mua SIM đăng ký sẵn từ các đại lý về sử dụng nhưng lại quên đăng ký thông tin cá nhân chính chủ SIM cho mình, đến khi bị mất SIM hoặc xảy ra tranh chấp thì mới "hỡi ơi".
Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dùng mất SIM nhưng không thể báo khóa thuê bao cũng như khôi phục do thông tin đăng ký không đúng, thậm chí còn bị người khác sử dụng với mục đích xấu, đến lúc này rất bất lợi cho người dùng.
Ngoài ra, việc dùng số thuê bao không chính chủ cũng ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công, nhất là các dịch vụ yêu cầu thông tin của số điện thoại khai báo phải chính xác và có các thông báo/xác nhận qua số điện thoại di động.
Bên cạnh đó, rất nhiều dịch vụ như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử... đều cho phép người dùng đăng ký và kết nối qua chính số điện thoại di động của họ.
Sự chính chủ này ngày càng cho thấy tầm quan trọng khi ngày càng nhiều hoạt động, công việc, giao dịch của con người diễn ra trên thế giới mạng.
Theo quy định, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác (họ và tên, chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, ngày cấp và nơi cấp...) với các nhà mạng.
Việc bảo đảm kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng các dịch vụ viễn thông trong trường hợp bị mất, hư hỏng SIM, đồng thời bảo vệ quyền lợi người dân khi sử dụng các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia hoặc dịch vụ ngoài viễn thông như: dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm...
"Việc 100% SIM số có thông tin cá nhân sẽ giúp Chính phủ mạnh dạn triển khai thủ tục hành chính công dựa trên số điện thoại di động. Từ đó, người dân dễ dàng, thuận tiện hơn trong thao tác dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, số điện thoại định danh cũng là cơ hội để các ngân hàng, bệnh viện... có thêm kênh lưu trữ, đồng nhất với việc sử dụng căn cước công dân. Trong tương lai, tôi hy vọng rằng số điện thoại định danh sẽ thay thế được một số loại giấy tờ khi giao dịch", ông Dy Khoa, chuyên gia truyền thông, kỳ vọng.
Ở chiều ngược lại, những hành vi lừa đảo qua điện thoại như mạo danh công an, cơ quan pháp luật, nhân viên nhà mạng, nhân viên công ty bảo hiểm, bưu điện, cục viễn thông... hay những đối tượng chuyên thực hiện các tin nhắn spam, quảng cáo rác, gọi điện khủng bố, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác... có thể bị cơ quan chức năng phát hiện nhanh chóng.
Điều đó cũng sẽ khiến các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên "không còn đất sống", mang lại sự yên tâm cho người dân khi sử dụng điện thoại di động.
Đừng bỏ qua tin nhắn yêu cầu chuẩn hóa dữ liệu Những trường hợp thuê bao di động nhận được đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao từ doanh nghiệp di động nghĩa là thông tin đăng ký của người sử dụng có thể chưa đầy đủ theo quy định, chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, tréo ngoe là theo phản ánh từ các nhà mạng, tin nhắn đề nghị thực hiện chuẩn hóa thông tin đang bị nhiều người dùng bỏ qua vì nghĩ là... sim rác.
"Chúng tôi đã nhắn 5 lần trong 5 ngày liên tiếp, số lượng khách hàng phản hồi rất thấp, nhận thức của khách hàng về việc này chưa cao. Chúng tôi đề nghị những thuê bao nhận được tin nhắn hay cuộc gọi về việc chuẩn hóa thông tin cá nhân hãy hợp tác với cơ quan quản lý và các nhà mạng để bảo đảm quyền lợi của chính mình, thực hiện việc chuẩn hóa thông tin cá nhân trước ngày 31.3 để không bị rơi vào tình trạng khóa thuê bao", nhà mạng Viettel phản ánh thực tế.
Hiện nay, các nhà mạng đã đồng loạt nhắn tin cho các thuê bao trong diện cần chuẩn hóa thông tin. Các phương thức thực hiện chuẩn hóa cũng được các nhà mạng áp dụng đa dạng, tính đến các đối tượng cần hỗ trợ, gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục trực tuyến, người già...
VinaPhone cho biết sẽ thực hiện nhắn tin liên tục trong năm ngày (đến ngày 19.3), mỗi ngày ít nhất 1 lần cho các thuê bao nằm trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin.
Những khách hàng nhận được tin nhắn, cuộc gọi kể trên cần nhanh chóng phối hợp thực hiện bổ sung, chuẩn hóa thông tin theo hướng dẫn. Nếu có vướng mắc, khách hàng có thể gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng 18001091 hoạt động 24/7 để được kịp thời hỗ trợ.
Tương tự, nhà mạng MobiFone cũng nhắn tin và hướng dẫn các thuê bao trong diện phải chuẩn hóa thông tin có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có phương thức phục vụ trực tiếp nếu khách hàng gặp khó khăn trong việc chuẩn hóa thông tin trực tuyến.
Nhà mạng Viettel cho biết đến ngày 25.3 sẽ hoàn thành chuẩn hóa các thông tin của các thuê bao còn chưa đúng quy định và trùng khớp với thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhà mạng này cho biết ngoài các biện pháp chuẩn hóa qua ứng dụng di động, tổng đài tiếp nhận, phát triển các nền tảng web để hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa online còn có nhân viên địa bàn hỗ trợ trực tiếp với khách hàng.
Cần chế tài mạnh các hành vi lừa đảo Chuyên gia truyền thông Dy Khoa chia sẻ điều nhiều người quan tâm là việc đăng ký thông tin cá nhân cho SIM số có giảm thiểu hoặc mất đi dịch vụ tiếp thị qua điện thoại gây nhiều phiền toái như hiện tại hay không.
Vì thế, sau ngày 31.3, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan cùng lúc, trong đó có nâng chế tài xử phạt đối với các hành vi bán hàng qua điện thoại khi chưa được sự đồng ý của khách hàng. Với các vấn đề như lừa đảo, khủng bố thì người bị xâm hại nên chủ động trình báo với các cơ quan chức năng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, cho rằng sau SIM rác còn có việc lừa đảo qua các phần mềm OTT, chat qua mạng, gửi email... Vì vậy nếu quản lý chặt SIM rác thì các đối tượng lừa đảo có thể sẽ tiếp tục chuyển sang các hình thức khác như OTT, chat, email.
Nếu như SIM rác có thể cho phép kết nối 1-1 thì các ứng dụng như chat, email có thể giúp kết nối với nhiều người cùng lúc, thậm chí có thể tạo những nhóm chat, nhóm email hàng trăm người để dễ tạo hiệu ứng đám đông và "lùa gà". Điều này cũng tạo ra môi trường để những kẻ lừa đảo khai thác mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thực tế việc cho, tặng SIM sẽ vẫn rất phổ biến và không thể bảo đảm luôn xác định được người dùng thật sự của các thuê bao trên thực tế. Chúng ta đã chứng kiến tình trạng sử dụng các phương tiện giao thông không chính chủ khá phổ biến tại Việt Nam.
Trong khi việc cho, tặng, mượn SIM sẽ phổ biến hơn là các phương tiện giao thông. Điều này sẽ vẫn đặt ra cho các cơ quan quản lý những thách thức cần phải giải quyết trong việc kiểm soát thông tin thuê bao.
Soạn TTTB gửi 1414
Đây là cách người dùng có thể kiểm tra thông tin đăng ký số điện thoại mình đang sử dụng.
Sau khi được nhà mạng phản hồi, nếu phát hiện sai lệch thông tin hoặc chưa chính chủ, người dùng có thể cập nhật, bổ sung qua website, ứng dụng di động và các điểm giao dịch của nhà mạng để thực hiện.
Với những trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh, khó khăn trong việc đi lại... có thể yêu cầu nhân viên nhà mạng trực tiếp đến nhà hỗ trợ.
Nhà mạng không được làm ảnh hưởng đến người dùng
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao chính chủ phải bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, tránh làm ảnh hưởng đến các thuê bao đã có thông tin đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng cần lưu ý để tránh bẫy tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, mạo danh nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin để lừa đảo thuê bao di động.
Theo đó, người dùng cần lưu ý các tin nhắn về chuẩn hóa thông tin sẽ được các nhà mạng nhắn tin từ số điện thoại tổng đài, hotline chính thức của mỗi nhà mạng kèm theo tên định danh, ví dụ: VIETTEL, MOBIFONE, VINAPHONE...
Cục Viễn thông lưu ý: "Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn".
Theo Tuổi trẻ