Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí
Tìm đến lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm (sinh năm 1990) ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một ngày nắng như đổ lửa, chúng tôi được chứng kiến không khí vui vẻ nhưng không kém phần nề nếp như một lớp học trong trường.
Nỗ lực vượt lên số phận
"Cô giáo ăn nhiều vào cho lớn" là câu nói hết sức ngây thơ của các bé dành cho cô Ngọc Tâm. Bởi lẽ, năm nay đã bước sang tuổi 33 nhưng trông cô như một em bé mới vài tuổi ngồi trên xe lăn. Hệ thống xương biến dạng khiến cô chưa bao giờ vượt quá 15 kg.
Buổi chiều, khi tan học, đám học trò tinh nghịch lại đẩy xe 3 bánh dành cho trẻ em để đưa cô Ngọc Tâm ra cánh đồng hít thở không khí trong lành, vui đùa như những người bạn.
Ngọc Tâm là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023
"Lớp có học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 nên có em gọi tôi bằng cô, có em gọi bằng chị. Danh xưng giáo viên được chính phụ huynh và học sinh tặng cho tôi. Bản thân tôi nghĩ mình chỉ là người hướng dẫn các em những điều đã học và tìm tòi được, chứ tôi cũng chỉ học hết lớp 9 thôi" - cô Ngọc Tâm bày tỏ.
Bà Nguyễn Thanh Sự, mẹ Ngọc Tâm, một người phụ nữ tần tảo, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng đã đồng hành cùng con gái trên mọi hành trình từ khi cô lọt lòng. Bà khẳng định chính sự nỗ lực vượt lên số phận, sống có ích cho cộng đồng của Ngọc Tâm đã nhắc nhở bà phải cố gắng bên con cho dù đến nay đã tuổi già sức yếu.
Bà Sự nhớ lại: "Khi sinh Ngọc Tâm, tôi thấy một chân cháu quặt ngược lên bụng. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Lúc đó, gia đình cũng chưa hình dung được về bệnh này là như thế nào. Đến năm Ngọc Tâm 2 tuổi rưỡi, gia đình đưa đi mổ tại Bệnh viện Nhi Trung ương để chân duỗi được nhưng đôi chân không phát triển và cháu không có khả năng tự đi lại".
Lên 8 tuổi, Ngọc Tâm vào lớp 1, tuy thiệt thòi về thể trạng nhưng học rất giỏi, năm nào cũng được nhận giấy khen. Học hết lớp 9, vì trường cấp 3 cách nhà đến 15 km, cộng thêm lúc đó Ngọc Tâm phát nhiều bệnh như tim, phổi, dạ dày nên không thể tiếp tục chặng đường đến trường.
Cô giáo dạy Ngọc Tâm từng nói với bà Sự: "Đừng cho em ấy thi cấp 3, vì nếu thi chắc chắn sẽ đỗ mà không đi học được thì rất tiếc". Ngọc Tâm đành gác lại việc học tại trường nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ngừng học.
Chỉ cần tim còn đập, ngực còn thở...
Lớp học miễn phí ra đời năm 2004, khi Ngọc Tâm đang học lớp 6. Lúc đó, học lực Ngọc Tâm vào loại khá, một vài phụ huynh hàng xóm tin tưởng gửi con để cô kèm cặp.
Dần dần, việc học của các em tốt lên trông thấy nên phụ huynh truyền tai nhau đến gửi con cho Ngọc Tâm nhiều hơn. Lớp học của Ngọc Tâm còn được gọi là lớp học 5 không - không bảng, không phấn, không giáo án, không bục giảng, không học phí.
Căn phòng nhỏ chỉ rộng 10 m2 của Ngọc Tâm trở thành lớp học đặc biệt, có lúc lên đến gần 20 học sinh. Cô dạy các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh… Ngọc Tâm sắp xếp lịch học, độ tuổi, phương pháp dạy để em nào, dù lớp lớn hay lớp nhỏ, cũng được cô kèm tối đa trong một buổi học.
Em Nguyễn Quỳnh Như (xã Yên Phong) tâm sự: "Con rất thích nụ cười của cô Tâm. Nụ cười của cô giúp con tự tin hơn trong học tập".
Dù nắng hay mưa, nghỉ hè hay bản thân ốm đau, lớp học của cô giáo thủy tinh chưa bao giờ gián đoạn. "Tôi ước mơ trở thành cô giáo từ nhỏ. Chỉ cần tim còn đập, ngực còn thở và các bạn học sinh cần đến mình thì tôi vẫn sẽ duy trì lớp học này" - Ngọc Tâm bộc bạch.
Lớp học của cô Ngọc Tâm không chỉ dạy kiến thức mà còn có những giờ truyền cảm hứng về nghị lực sống, vượt lên số phận. Đó chính là những tâm tình của cô giáo về cuộc đời mình, cũng như chuyện về các tấm gương người khuyết tật khác. Theo Ngọc Tâm, khuyết tật chỉ bất tiện chứ không phải bất hạnh. Chúng ta dù là ai cũng luôn nỗ lực góp ích cho xã hội từ những điều giản dị nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, phụ huynh học sinh Nguyễn Ngọc Đức, cho biết: "Nhà tôi cách lớp học 6 km và Đức có phần nhút nhát nhưng từ khi theo học lớp cô Ngọc Tâm thì cháu đã mạnh dạn, tiến bộ hơn rất nhiều. Một số phụ huynh ở Thái Bình, Ninh Bình cũng lặn lội sang đây gửi con cho cô giáo, chứ chỉ cách 6 km như nhà tôi thì chưa đáng gì".
Năm 2017, Ngọc Tâm mở thêm "Không gian đọc Ngọc Tâm thủy tinh" với gần 1.500 đầu sách do cô tự tích lũy và quyên góp từ bạn bè gần xa để các em nhỏ đọc sách sau mỗi giờ tan học. Cô còn sáng lập Quỹ Học bổng Ngọc Tâm thủy tinh, tặng hàng trăm suất quà cho học sinh vươn lên trong học tập, động viên các em phấn đấu…
"Bác sĩ bảo tôi khó sống qua 30 tuổi nhưng giờ đã 33 tuổi rồi. Có lẽ chính niềm vui được góp ích cho đời đã giúp tôi kéo dài sự sống đến bây giờ" - Ngọc Tâm thổ lộ.
Giải thưởng dành cho cô giáo thủy tinh - Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng; - Giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương; - Bằng khen vì có thành tích xuất sắc, vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2016-2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; - Giải thưởng KOVA, hạng mục "Sống đẹp" năm 2022; - Gương thanh niên tiêu biểu giai đoạn 2017-2022; - Tháng 3.2023, Ngọc Tâm vinh dự lọt vào top 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng. |