Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là nơi tiêu tiền

TS. Lê Thống Nhất khẳng định, vai trò quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là nơi huy động tiền, chi tiêu, tổ chức hội hè.

Liên tục trong những ngày gần đây, báo chí và dư luận phản ánh Ban đại diện cha mẹ học sinh của một số trường học đưa ra mức dự trù kinh phí hoạt động “khủng”. Đáng chú ý nhất là Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Hồ Chí Mih) đưa ra mức dự trù hoạt động lên đến hơn 270 triệu đồng; Lớp 9/10 là hơn 165 triệu đồng; Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (TP.Hồ Chí Minh) cũng đưa ra mức dự trù thu-chi năm học 2022-2023 lên đến 130 triệu đồng, trong đó chủ yếu chi bồi dưỡng giáo viên, bảo mẫu, Ban giám hiệu nhà trường các ngày lễ, tết…

Chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất bình luận, đây là những khoản thu-chi vô lý. Ông khẳng định không phải cứ có tiền là tiêu mà phải tiêu vào những việc gì có ý nghĩa giáo dục. 

"Vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh là nhịp cầu nối giữa nhà trường với học sinh để có những giải pháp giáo dục học sinh tốt nhất chứ không phải là nơi huy động tiền, chi tiêu, tổ chức hội hè. Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh lập ra chỉ để chi tiêu, tổ chức hội hè thì nên giải tán”, ông Nhất nêu quan điểm.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là nơi tiêu tiền - 1

TS. Lê Thống Nhất. 

TS. Lê Thống Nhất cho biết, trong tam giác giáo dục (Nhà trường-phụ huynh-học sinh) vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Việc giáo dục học sinh sẽ không thành công nếu thiếu đi vai trò của phụ huynh. Việc bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ khiến tam giác giáo dục mất đi một góc, cầu nối giữa nhà trường với học sinh không còn. Do vậy việc duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết.

Vấn đề đặt ra là phải có những quy định, chế tài cụ thể để Ban đại diện cha mẹ học sinh làm tốt vai trò của mình tránh tình trạng trở thành công cụ, là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu.

“Nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh được lập ra từ sự gợi ý, định hướng của Ban giám hiệu hoặc của giáo viên. Thậm chí, khi lập Ban đại diện cha mẹ học sinh họ thường chọn những người có điều kiện kinh tế, có vị thế xã hội. Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh nào ngay từ đầu lập ra với tư tưởng thu tiền thì sớm muộn cũng đưa ra những khoản thu sai trái”, TS. Lê Thống Nhất nói.

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định khá cụ thể những khoản thu ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu và những khoản không được phép thu. Tuy nhiên lợi dụng tinh thần “tự nguyện, nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra các khoản thu trên trời, vô lý.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là nơi tiêu tiền - 2

Trước việc bị báo chí phản ánh, dư luận bức xúc, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Hồ Chí Minh) đã dừng bảng dự trù, dừng thu quỹ.

TS. Lê Thống Nhất nêu quan điểm đã là tự nguyện thì Ban đại diện cha mẹ học sinh phải có hình thức thu tiền phù hợp. Ví dụ có thể tổ chức thu theo hình thức tự nguyện ủng hộ theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình (giống như bỏ phiếu kín) sau đó kiểm điếm công khai trước lớp; Không ghi tên cụ thể ai ủng hộ bao nhiêu.

“Đừng lấy lý do học sinh cả lớp đều là gia đình có điều kiện mà đưa ra mức thu trên trời, khác biệt với mặt bằng chung các lớp khác trong trường. Trách nhiệm của nhà trường là phải theo dõi, điều chỉnh chứ không phải lớp nào có điều kiện thì được quyền thu nhiều hơn”, ông Nhất nói.

Chuyên gia giáo dục Lê Thống Nhất cũng cho rằng, hiện tượng Ban đại diện cha mẹ học sinh lạm thu, không làm đúng vai trò của mình chỉ xảy ra ở những trường mà Ban giám hiệu không quán triệt đầy đủ các quy định của Bộ GD-ĐT. Trường học nào Ban giám hiệu sát sao, vì học sinh, thấu hiểu gia đình học sinh sẽ không xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc trong xã hội.

KHÔI NGUYÊN(VOV 2)