Bài 1: Thay đổi nhận thức của người trong cuộc
Học sinh tiểu học ở Hải Dương tựu trường sớm hơn năm học trước
Trường tiểu học Thanh Hoà (thị xã Trảng Bàng): Đón nhận bằng đạt chuẩn quốc gia mức độ I
Năm 2022: Trảng Bàng có 96,94% gia đình được công nhận “Gia đình học tập”
Đúng 10 năm trước, năm 2013, Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI) thông qua Nghị quyết 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Sau Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về phát triển giáo dục, Nghị quyết 29 năm 2013 là một văn bản rất quan trọng, có tính chiến lược, dài hạn nhằm khắc phục hạn chế, thay đổi mạnh mẽ nền giáo dục. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 29 nhằm thay đổi giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Đối với những địa phương không có cơ sở đào tạo bậc đại học, đổi mới giáo dục phổ thông là nội dung trọng tâm, cốt lõi nhất, quan trọng nhất khi triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội. 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; 9 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, điều gì làm được, điều gì chưa?
Học sinh tiểu học thị xã Trảng Bàng trong giờ học.
Sau hàng chục năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ nước ta đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Năm 2013 (năm chuẩn bị cho sự ra đời của Nghị quyết 29), Trung ương Đảng đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc.
Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả....
Từ thực tế đó, năm 2013, hội nghị Trung ương 8 (khoá XI) ban hành Nghị quyết 29, trong đó khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 29 yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chậm chất năm 2015. Như đã đề cập nhiều lần, vì những nguyên nhân, yếu tố khác nhau, năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới được cụ thể hoá và mãi đến năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 mới được triển khai trên thực tế, bắt đầu từ lớp 1.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội và đặc biệt về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong văn bản gửi Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng và cơ quan chuyên môn của địa phương này (Phòng GD&ĐT) nhận thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.
Học sinh không chỉ biết, nhớ mà còn phải làm được, thể hiện qua 5 phẩm chất và 10 năng lực, đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo đã được thể chế hoá trong Nghị quyết 29 năm 2013.
Đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông và việc xây dựng tài liệu giáo dục của địa phương, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Trảng Bàng nhìn nhận, sách giáo khoa mới bảo đảm yêu cầu của khung chương trình theo quy định, bền, đẹp, có kênh hình, kênh chữ rõ ràng; cụ thể hoá các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Tình huống và bài tập phù hợp với học sinh tiểu học, học sinh phát huy được tính tự học.
“Việc lựa chọn sách giáo khoa dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình lựa chọn theo quy định của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh. Các trường lập kế hoạch và chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên nghiên cứu, thảo luận đề xuất lựa chọn sách giáo khoa được quy định tại khoản 1 Điều 8, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT và Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 8.4.2021 của UBND tỉnh Tây Ninh”.
Việc thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa xoá bỏ được cơ chế độc quyền, có sự cạnh tranh nhiều nhóm tác giả, nhiều trí tuệ tham gia bộ sách. Cạnh tranh tạo ra sản phẩm tốt hơn, có nhiều lựa chọn hơn cho giáo viên, người học, như vậy sẽ có bộ sách giáo khoa tốt cho học sinh, giáo viên. Nhưng, do có nhiều bộ sách giáo khoa nên phụ huynh học sinh cũng gặp khó khăn trong vấn đề đi mua sách cho con em.
10 năm triển khai Nghị quyết 29 và 9 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương, ngoài những mặt được, không phải đã hết những khó khăn, bất cập, vướng mắc.
Một số trường hiện nay chưa đủ phòng học để dạy 2 buổi/ngày, thiếu phòng chức năng dạy Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật, trang bị máy vi tính, thiết bị dạy học chưa đủ. Đội ngũ giáo viên, cấp tiểu học thiếu 88 giáo viên, bao gồm giáo viên tiểu học, giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học; chưa bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Cấp THCS thiếu 86 giáo viên, gồm giáo viên các môn Văn, Toán, Sinh, Sử, Âm nhạc. Lý do thiếu giáo viên, nguồn sinh viên tham gia dự tuyển viên chức còn ít so với nhu cầu thực tế.
Luật Giáo dục 2019 đòi hỏi giáo viên phải có bằng đại học mới đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Để khắc phục, cả trung ương và địa phương cần sớm có kế hoạch đào tạo sinh viên ngành sư phạm để bổ sung nguồn giáo viên đang thiếu hiện nay.
Tương tự thị xã Trảng Bàng, UBND huyện Tân Biên đánh giá, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai phù hợp với mục tiêu đổi mới được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội.
“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Cũng như nhiều địa phương khác, việc bố trí học 2 buổi/ngày ở Tân Biên chưa bảo đảm 100% cho lớp 1, 2, 3, do một số trường còn thiếu giáo viên. Chính vì vậy, phải sáp nhập lớp để bảo đảm phòng và giáo viên dẫn đến số học sinh tăng vượt quá quy định.
Cơ sở vật chất, thiết bị như máy vi tính chưa đáp ứng được các yêu cầu giảng dạy môn Tin học, Tiếng Anh ở lớp 3. Sách giáo viên, đồ dùng dạy học cấp chưa kịp thời, đúng thời gian để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học.
Hiện nay, một số trường có số lượng học sinh mỗi lớp khá đông, vượt quá biên chế học sinh/lớp so với quy định, sự tiếp thu bài của các em không đồng đều. Vì vậy gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục và theo dõi, giúp đỡ học sinh. Ở môn Tiếng Anh và môn Tin học, giáo viên còn phải dạy liên trường do thiếu giáo viên ở hai môn học này.
Đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu, chưa bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của ngành; các môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Kỹ thuật, Mỹ thuật), Giáo dục thể chất (Thể dục, Hoạt động trải nghiệm), môn tự chọn (Tiếng Anh, Tiếng dân tộc, Tin học)… còn thiếu nhiều giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Một số đơn vị chưa bảo đảm về phòng chức năng, tivi phục vụ cho dạy học của lớp 1, 2, 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Việt Đông
(Còn tiếp)