Bài 1: Giáo viên vùng xa: Khó khăn không nói thành lời 

BTN - Những năm qua, mặc dù các địa phương đã có sự quan tâm xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, đầu tư trang thiết bị dạy và học. Tuy nhiên hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong công tác giảng dạy, đó là tình trạng thiếu giáo viên.

Cô giáo trẻ Bùi Thị Kim Yến gắn bó với các em ở Trường tiểu học Tân Khai suốt 5 năm nay.

Khó có thể nói hết thành lời khi kể đến những khó khăn của giáo viên vùng xa, biên giới. Trên hành trình gieo chữ ấy, mỗi giáo viên đều mang theo mình những tình cảm yêu thương, sự hy sinh thầm lặng để con chữ được nảy mầm, đơm hoa, kết trái.

GẠT KHÓ KHĂN, ƯƠM MẦM NHỮNG CHỒI XANH

Tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non năm 2013, Nguyễn Ngọc Anh Thư (32 tuổi, ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) tình nguyện lên Khu dân cư biên giới Chàng Riệc công tác. Sau 10 năm gắn bó với Trường tiểu học Tân Khai, hiện mức lương chỉ hơn 4,1 triệu đồng/tháng.

Với mức lương này, chưa tính các khoản chi tiêu cá nhân, mỗi tháng “ngốn” hơn một nửa tiền lương cho phí xăng xe đi về trong ngày. Thư kể, nhà em ở xã Thạnh Bình, cách Tân Khai 50km. Ngày mới vô nghề, Thư chở bao nhiêu niềm vui, mơ ước hoài bão trên chiếc xe gắn máy, chạy hơn 100km từ nhà đến trường, rồi từ trường về nhà để được dạy, chăm sóc con trẻ ở vùng biên. Nhưng “thân gái dặm trường”, đường xa xôi, hẻo lánh, băng rừng, vắng người qua lại, khó khăn chồng chất khó khăn, tiền lương hằng tháng không đủ trang trải cuộc sống, lắm lúc cũng khiến Thư chạnh lòng, muốn bỏ việc.

“Em muốn gắn bó với nơi này nhiều hơn, nhưng mỗi khi nghĩ lại đồng lương không đủ trang trải mà lắm lúc chán nản, muốn nghỉ việc. Nhưng khi nhìn các bé, em không nỡ lòng rời xa. Có những buổi, chúng em phải ở lại tận 6-7 giờ chiều, vì phụ huynh chưa đón trẻ. Khi trả trẻ xong thì trời đã tối mịt, về tới nhà cũng gần 10 giờ khuya, 5 giờ sáng hôm sau phải đi sớm. Chỉ có yêu nghề, yêu trẻ, chúng em mới trụ nổi ở đây thôi”- Thư chia sẻ.

Ngoài Anh Thư, Lê Thị Ngọc Châu (30 tuổi) cũng khó trăm bề sau hơn 3 năm gắn bó ở Tân Khai. Nhà ở xã Suối Ðá (huyện Dương Minh Châu), đi về mỗi ngày hơn 160km, con thơ 8 tháng tuổi đành gửi ở nhà cho gia đình chồng chăm sóc. Trước áp lực cuộc sống vì đồng lương thấp, thêm con nhỏ, Châu làm đơn xin nghỉ việc và được ngành Giáo dục - Ðào tạo duyệt chấp thuận. Hiện tại, trong ngôi trường dạy trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, Châu vẫn không quên những tháng ngày vui buồn bên con trẻ vùng biên giới, nơi cô chắp cánh ước mơ của mình.

Ở Trường tiểu học Tân Khai, cô giáo trẻ Bùi Thị Kim Yến (28 tuổi) cũng mỗi ngày phải chạy xe máy đi về hơn 120km từ Phước Vinh (huyện Châu Thành) đến nơi dạy học suốt 5 năm nay. Yến kể, khi còn trên ghế nhà trường THPT, Yến đã xác định chọn nghề giáo viên. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học, Yến thi tuyển viên chức và được điều động về Trường tiểu học Tân Khai ở Khu dân cư biên giới Chàng Riệc gieo chữ. “Mỗi ngày, em phải dậy từ 4 giờ 30 sáng, 5 giờ là xuất phát đi dạy. Ðoạn đường hơn 60km rất xa, băng ngang rừng. Trời nắng hay mưa, lạnh hay nóng em cũng phải mặc áo mưa chạy trên đường cho đỡ gió”- Yến bày tỏ- “Học sinh ở đây đa phần là con em Việt kiều Campuchia, hoàn cảnh rất khó khăn. Mỗi lần lên lớp, nhìn tụi nhỏ là em không kiềm lòng được, thương từng đứa một giống như con của mình. Bởi thương mà em chấp nhận quãng đường xa để lên đây gieo chữ suốt 5 năm như vậy. Tiền lương hằng tháng chỉ đủ tiền xăng xe và ăn sáng thôi. May nhờ có chồng cảm thông, gia đình chồng hỗ trợ thêm nên em mới có thể gắn bó nơi đây”.

Tất cả những giáo viên ở vùng biên giới này đều có chung một hy vọng: thu nhập đủ sống, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, gia đình, để họ được tiếp thêm sức mạnh, “bám trụ” nơi này dài lâu hơn.

LƯƠNG THẤP VÀ THIẾU GIÁO VIÊN

Tân Khai có 2 đơn vị trường học là Trường mầm non Tân Khai và Trường tiểu học Tân Khai (điểm lẻ của Trường THCS Tân Lập). Tuy nhiên, đây là địa bàn thiếu giáo viên trầm trọng nhất của huyện Tân Biên.

Theo cô Bùi Thị Thương- Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai, hiện trường có tổng số 11 người, trong đó có 2 giáo viên đứng lớp, 2 giáo viên tăng cường từ Trường mầm non Xa Mát theo mô hình “Trường học đồng hành cùng trường học” của Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tân Biên. Tuy nhiên, do số lượng trẻ trên lớp đông (4 lớp, 18-20 em/lớp), giáo viên đứng lớp lại hạn chế nên hầu hết đều gặp khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc trẻ, đặc biệt là lớp mẫu giáo bé, khả năng tự phục vụ của các bé hạn chế. Cô Thương cho biết, ngoài 35% phụ cấp nghề theo quy định, lương bình quân mỗi giáo viên khoảng 3,1 - 3,5 triệu đồng/tháng. Với thu nhập ấy, so với vùng thuận lợi, thầy, cô giáo ở vùng khó khăn, biên giới khó khăn gấp bội. 

Ở Tân Khai, đời sống của người dân còn thiếu thốn rất nhiều, đa số là con em Việt kiều Campuchia nên khó vận động xã hội hoá trong giáo dục. Cả hai trường đều gặp khó khăn do thiếu giáo viên. Nhân lực đa số là giáo viên trẻ mới ra trường, đầy nhiệt huyết và ước mơ hoài bão, nhưng sau một thời gian lập gia đình, một số vì không chịu nổi áp lực cuộc sống, đành nghỉ việc, số khác xin chuyển công tác về nơi gia đình chồng sinh sống để thuận lợi trong công việc hơn. “Nghề giáo viên mầm non phải dùng cả trí lực, sức lực và sự nhẫn nại, chịu khó mới có thể kham nổi, trong khi đó, các chế độ ngoài lương cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở đây rất thấp. Chỉ có yêu nghề, yêu trẻ, chấp nhận hy sinh thì mới trụ nổi nơi này”- cô Thương bày tỏ.

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Tân Biên được giao 1.207 biên chế, hiện tại có 1.062 biên chế, thiếu 145 giáo viên ở cả 3 cấp học. Trong đó, cấp mầm non 75 người, tiểu học 42 và trung học cơ sở thiếu 28 người. Thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng nhất là ở khu vực ấp Chàng Riệc, khu vực biên giới, các địa bàn của xã Thạnh Bắc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng GD-ÐT huyện Tân Biên, tình hình thiếu giáo viên sẽ gây khó khăn trong việc phân công, bố trí giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn, khó trong việc tăng tỷ lệ tổ chức các lớp học 2 buổi/ngày, tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi từ 0-2 tuổi. Ngành đang gặp khó khi thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học do không có nguồn tuyển. Theo đó, chương trình tiếng Anh lớp 3 giảng dạy bắt buộc, ngành thiếu 5 giáo viên cho Trường tiểu học Tân Khai, Tân Phong B, Thạnh Bắc B, Trà vong B và Thạnh Bình B. Riêng các trường có quy mô lớn, số lớp nhiều cũng cần bổ sung thêm từ 1-2 giáo viên. Ðối với môn Tin học lớp 3 giảng dạy bắt buộc, ngành còn thiếu 16 giáo viên/16 trường, trong khi toàn huyện chỉ có 3 trường có giáo viên Tin học. Dự báo, sẽ tiếp tục thiếu giáo viên do không có nguồn tuyển dụng. Số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc tăng hằng năm, nhiều nhất là ở cấp mầm non.

Tâm Giang

(Còn tiếp)