Tê tay tưởng đơn giản nhưng là dấu hiệu bệnh có thể teo cơ của dân văn phòng

Người mắc hội chứng này dễ tê tay, nhất là vào ban đêm, ngủ đến 1-2 giờ sáng không có gì đè lên tay nhưng họ vẫn cảm thấy tê, đôi khi còn bị thức giấc.

Là nhân viên hành chính tại công ty chuyên về thiết bị văn phòng, mỗi ngày chị Kiều Oanh (35 tuổi, ở TP.HCM) liên tục phải dùng máy tính xử lý công việc.

Mấy tháng nay, mỗi ngày chạy xe đi và về quãng đường 20km từ nhà lên công ty, nhiều lần chị thấy tê tay, đang chạy phải tấp vào lề đường vẩy tay.

Tay phải của chị cũng có cảm giác yếu và vụng về hơn. Các đầu ngón tay dễ tê bì, kiến bò chủ yếu ở 3 ngón cái, giữa và trỏ nhất là về đêm. Tối về cầm điện thoại hay cuốn sách một lúc là chị mỏi nhức, có khi còn bị chuột rút.

Đi khám, bác sĩ nói chị có dấu hiệu bị hội chứng ống cổ tay – loại bệnh nhiều người làm văn phòng gặp phải, nhất là nữ giới.

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng đau và tê bì của nhiều ngón tay và bàn tay, đôi khi có thể lan rộng lên cẳng tay hay cánh tay, do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay gây ra. Hội chứng này còn được gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa.

Thần kinh giữa (màu vàng) bị chèn ép bởi dây chằng ngang cổ tay (dải máu trắng)

Biểu hiện sớm của bệnh 

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh - khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho hay, tuỳ theo từng mức độ, bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau.

Tại Việt Nam, bệnh nhân mắc hội chứng này thường “than thở” với bác sĩ rằng họ chạy xe một đoạn tay tê, phải buông ra.

“Đó là dấu hiệu nhận biết sớm. Tùy theo từng đoạn đường chạy lâu hay mau, xa hay mệt. Nếu khi mới bắt đầu chạy nhưng người đó bị tê tay, mức độ có thể nặng hơn trong khi nếu có thể chạy xa hơn, mức độ sẽ nhẹ hơn”, bác sĩ Mỹ Anh nói.

Người mắc hội chứng này cũng dễ tê tay vào ban đêm, ngủ đến 1-2 giờ sáng không có gì đè lên tay nhưng họ vẫn cảm thấy tê, đôi khi có thể khiến bệnh nhân thức giấc.

Cảm giác tê, có "kiến bò" các đầu ngón tay chủ yếu xảy ra ở 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Trong một số trường hợp, đau và tê bì có thể lan rộng lên đến toàn bộ bàn tay hoặc thậm chí đến cổ tay và cẳng tay. 

Các triệu chứng cũng có thể xuất hiện khi bệnh nhân làm việc liên quan đến việc gấp duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay, ví dụ khi nắm vô lăng, cầm điện thoại hay sách báo, đánh máy, chơi golf, làm hành chính, chơi cử tạ, thợ mộc, giết mổ thịt...

Cuối cùng, bàn tay sẽ bị yếu đi, dễ làm rơi các đồ vật. Khi cầm bút làm viết hoặc cầm đũa ăn, được một lúc bệnh nhân sẽ cảm thấy tê, thậm chí rơi viên phấn trong tay khi đang viết, hoặc cầm đồ vật khác không vững.

Khi ở giai đoạn nặng nề hơn, một số bệnh nhân nói tay họ bị mất kiểm soát, bị teo một ngón và khó khăn khi vận động tay. Những biểu hiện này thường gặp ở người già, trước đó họ chịu đựng và bỏ qua các triệu chứng ban đầu. Theo từng giai đoạn, họ sẽ bị liệt và teo cơ.

Nếu thường xuyên có các triệu chứng gợi ý, nhất là khi các hoạt động bình thường và giấc ngủ bị cản trở, cần đi khám bác sĩ. Các bác sĩ khuyến cáo nếu không điều trị, bệnh nhân có thể xảy ra tổn thương thường xuyên của dây thần kinh và các cơ.

Làm nghề nào dễ bị hội chứng ống cổ tay?

ThS-BS Trần Nguyễn Phương, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.

Trong đó, việc thường xuyên thực hiện những hoạt động như uốn cong, gập duỗi quá mức (quá gấp hay quá ngửa cổ tay) trong thời gian dài sẽ tạo áp lực lên dây thần kinh và dẫn tới hội chứng đường hầm cổ tay.

Nghề nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh. Những người phải làm việc bằng tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định trong thời gian dài như nhân viên văn phòng, thu ngân, thợ cắt tóc,… hoặc chơi thể thao liên quan nhiều đến cổ tay cũng dễ mắc bệnh hơn.

Việc lặp đi lặp lại cùng một chuyển động của tay hoặc cổ tay trong thời gian dài sẽ gây tổn thương đến các gân khiến cho tình trạng sưng viêm diễn ra đồng thời tạo áp lực lên dây thần kinh.

Người có tổn thương tay, mắc các bệnh lý như đái tháo đường, mãn kinh, béo phì, suy tuyến giáp và suy thận... có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay. Phụ nữ mang thai thường mắc hội chứng đường hầm cổ tay vào giữa hoặc cuối thai kỳ.

Điều trị hội chứng ống cổ tay tùy mức độ của bệnh. Cụ thể, nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân chỉ cần thay đổi tư thế cổ tay tránh làm việc liên tục, đeo nẹp cố định cổ tay, chườm đá, tập vật lý trị liệu kéo giãn thần kinh hoặc dùng các thuốc chống viêm, giảm đau.

Nếu mức độ trung bình, nặng, không đáp ứng với các biện pháp trên, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để cắt dây chằng ngang cổ tay, giải phóng chèn ép cho thần kinh.  

Thay đổi thói quen phòng hội chứng ống cổ tay và các bài tập phục hồi ống cổ tay. Ảnh: BVCC

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyên khi hoạt động sử dụng nhiều đến bàn tay cần nghỉ ngơi thường xuyên từng thời gian ngắn; Giữ cổ tay ở tư thế thư giãn trung bình là tốt nhất.

Các bàn phím/bảng điều khiển được bố trí sao cho an toàn, hiệu quả tại nơi làm việc. Theo đó, nên đặt chúng ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút. Giảm lực và thư giãn khi cầm nắm; Sử dụng bao cổ tay khi cần thiết...