Những thói quen gây hại trong nhà vệ sinh nhiều chị em thường mắc
Đối với phụ nữ, việc chăm sóc, vệ sinh vùng kín rất quan trọng, không chỉ bảo vệ hệ sinh sản, tránh viêm nhiễm mà còn tác động rất lớn đến đời sống tình dục. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Phụ trách phòng khám sản phụ khoa (Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà, Bệnh viện Nông nghiệp), cho biết, ngày nay đa số các chị em đều nhận thức và biết được tầm quan trọng của việc chăm sóc vùng kín, tuy nhiên không ít người vẫn có thói quen khi đi vệ sinh chưa hợp lý, dễ gây bệnh phụ khoa.
Bác sĩ Kim Dung chỉ ra những thói quen không tốt khi đi vệ sinh nhiều phụ nữ thường gặp:
- Lau, chùi ngược khi đi đại tiện: Đây là thói quen được cảnh báo rất nhiều tuy nhiên không ít người vẫn thực hiện. Bác sĩ Dung cho biết có trường hợp nữ bệnh nhân còn khá trẻ, chưa quan hệ tình dục nhưng đến khám vì bị viêm nhiễm phụ khoa rất nặng. Sau khi khám và hỏi chuyện, bác sĩ Dung nhận định nguyên nhân khiến âm đạo của bệnh nhân bị viêm là do bị nhiễm chất bẩn từ thói quen lau chùi từ sau ra trước khi đi đại tiện. Theo bác sĩ Dung, lau từ sau ra trước các chất chất bẩn có chứa vi khuẩn từ hậu môn sẽ xâm nhiễm lên niệu đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo, đường tiết niệu. Đặc biệt, với chị em phụ nữ khoảng cách giữa hậu môn và niệu đạo rất ngắn nên việc viêm nhiễm càng dễ xảy ra.
- Lau chùi nhiều lần: Không ít phụ nữ sợ bị viêm âm đạo do vậy khi đi vệ sinh đều lau chùi nhiều lần và rất kỹ càng. Tuy nhiên chính thói quen này cũng gây hậu quả.
“Việc lau chùi nhiều lần, đặc biệt là giấy vệ sinh không đảm bảo, cứng và thô ráp sẽ vô tình gây kích ứng vùng da quanh hậu môn, âm đạo. Từ đó có thể gây xước hoặc làm tổn thương da, là điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, vì đây là vùng nhạy cảm, thường xuyên ẩm ướt”, bác sĩ Dung cảnh báo.
Từ hai thói quen trên, nữ bác sĩ khuyến cáo chị em khi đi đại tiện nên lau từ trước ra sau, không chà xát mạnh và lau quá nhiều lần. “Mỗi lần đi vệ sinh nên rửa vùng kín là tốt nhất”, bác sĩ Dung tư vấn.
- Xem điện thoại khi đi vệ sinh: Đây là thói quen rất nhiều người mắc, tưởng chừng như vô hại nhưng lại gây hậu quả về lâu dài. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc dùng điện thoại khi đi vệ sinh, nhất là đại tiện sẽ làm cho thời gian ngồi trong nhà vệ sinh lâu hơn, gây nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Vì vậy các bác sĩ khuyên bạn không đọc sách báo, xem điện thoại hay làm bất cứ việc riêng khi đi vệ sinh. Không ngồi trong nhà vệ sinh quá 10 phút.
- Dùng vòi xịt áp lực mạnh: Hiện nhiều bác sĩ tư vấn chị em nên rửa vùng kín mỗi khi đi vệ sinh nhưng việc thực hiện cũng nên lưu ý. Cụ thể, không ít phụ nữ dùng vòi nước áp lực mạnh để rửa phần phụ sau mỗi lần đi vệ sinh. Điều này không nên vì vòi xịt ngoài đẩy các chất bẩn vào trong còn gột rửa hết những vi khuẩn có lợi, làm cho âm đạo khô. Thực tế, bác sĩ Dung đã từng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị về vấn đề này. Vì vậy bạn nên dùng vòi nước thông thường rửa vùng kín mỗi lần đi vệ sinh.
- Dùng khăn chung: Tại một số khách sạn, nhà vệ sinh chung ở cơ quan, công sở thường bố trí khăn lau cho mọi người sử dụng sau khi đi vệ sinh. Bác sĩ Kim Dung cảnh báo, cả nam và nữ tuyệt đối không nên sử dụng bởi đó chính là nguồn lây nhiều căn bệnh ở vùng sinh dục rất nguy hiểm.
Cụ thể, nếu lau tay bằng khăn dùng chung, sau đó dùng tay để cầm dương vật đi vệ sinh ở nam giới hoặc cầm vào giấy lau âm đạo ở phụ nữ sẽ có nguy cơ lây lan các bệnh nguy hiểm như nấm, sùi mào gà…
Tốt nhất sau khi đi vệ sinh, bạn nên rửa tay, có thể dùng các máy sấy trong nhà vệ sinh hoặc dùng giấy một lần rồi bỏ thùng rác.
- Vứt giấy vệ sinh vào sọt rác: Hiện nay, ở rất nhiều cơ quan, công sở trong nhà vệ sinh luôn có biển báo “cấm (không) vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu”. Theo bác sĩ Dung, điều này là “ngược đời” bởi giấy vệ sinh sẽ tan và trôi theo nước khi xả bồn cầu.
Ngược lại, nếu vứt giấy vệ sinh vào thùng rác, nhất là với chị em đi đại tiện, tiểu tiện đều có thói quen lau chùi sẽ gây ô nhiễm. Khi đó, nhà vệ sinh bị ô nhiễm, lâu dần sẽ sinh mầm bệnh. Thậm chí, việc này còn làm ảnh hưởng đến tâm lý khiến nhiều người sợ, không dám đi vệ sinh vì bẩn, việc nhịn vệ sinh sẽ gây nên các bệnh về tiết niệu, tiêu hóa.
Như vậy, chúng ta nên có ý thức trong giữ vệ sinh chung, chỉ dùng giấy vệ sinh đúng nghĩa để lau sau khi đi vệ sinh. Với phụ nữ đến ngày của kỳ kinh nguyệt cần chuẩn bị dụng cụ như túi bóng để cất kín băng vệ sinh cho vào thùng rác, không vứt băng vệ sinh xuống bồn cầu.
Phương Lê