Nhiều người trẻ bị mục xương vì chất kích thích ai cũng dùng
Đó là nội dung được BS Nguyễn Tấn Lãm, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết tại Hội nghị khoa học được bệnh viện tổ chức (ngày 21/10). Trong báo cáo “Kết quả ban đầu phẫu thuật thay 2 khớp háng cùng lúc” BS Nguyễn Tấn Lãm đã dẫn chứng 10 trường hợp còn trẻ tuổi nhưng đã bị mục cả 2 khớp háng.
Tiêu biểu nhất là trường hợp của nam bệnh nhân 32 tuổi, ngụ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến bệnh viện trong tình trạng tàn phế, phải ngồi xe lăn. Khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận nam bệnh nhân làm nghề thợ lặn, ngày nào cũng uống rượu bia. Một trường hợp khác là nam luật sư ngụ tại quận 1 TPHCM. Với đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên tiếp khách nên người bệnh sử dụng rượu bia với tần suất dày đặc cho đến khi xuất hiện những cơn đau liên tục tăng cấp độ theo thời gian khiến bệnh nhân phải ngồi xe lăn đến bệnh viện.
Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân của bệnh lý trên, BS Lãm nói: “Uống rượu bia nhiều là một trong những nguyên nhân gây nguy hại đến chỏm xương đùi, người bệnh có thể bị mục khớp háng cả 2 bên. Khi sử dụng nhiều bia rượu các tế bào mỡ máu ở một số người sẽ to bất thường. Chỏm xương đùi chỉ có 1 mạch máu duy nhất, khi mỡ máu đi vào vị trí mạch ở chỏm xương đùi sẽ gây tắc mạch dẫn tới hoại tử chỏm xương đùi. Tình trạng này âm thầm diễn tiến theo thời gian khi có biểu hiện đau nhức thì đã ở mức độ nặng”.
Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã phải thay cả 2 khớp háng do bị mục xương
Bên cạnh đó, BS Lãm còn chỉ ra một số nguyên nhân khác có thể khiến cộng đồng đối mặt với nguy cơ mục xương là nhóm bệnh nhân lạm dụng corticoid trong điều trị một số bệnh lý viêm nhiễm hoặc bệnh nhân thừa cân, béo phì bị những chấn thương mạn tính do trọng lượng cơ thể quá lớn tác động lên khung xương đùi.
Theo BS Lãm, bệnh nhân bị mục xương đùi thường có biểu hiện đau khớp háng vào buổi sáng khiến bệnh nhân không thể đi lại được. Bệnh nhân phải vận động nhẹ sau đó mới có thể di chuyển, đi lại bình thường. Tuy nhiên, cơn đau sẽ xuất hiện trở lại vào sáng hôm sau khi người bệnh ngủ dậy. Cường độ đau theo thời gian sẽ tăng dần đến mức không thể bước lên cầu thang, không thể tự ngồi xuống, phải ngồi xe lăn.
Trước đây, bệnh nhân bị mục khớp háng cả hai bên thường phải thay từng khớp một. Hạn chế của kỹ thuật trên là khiến người bệnh chịu nhiều lần đau đớn khi phẫu thuật và phát sinh thêm nhiều khoản chi phí. Hiện nay, với những tiến bộ về chuyên môn và dụng cụ y khoa các bác sĩ có thể thay khớp háng cả 2 bên cho người bệnh trong cùng một cuộc mổ không chỉ giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí mà còn giúp người bệnh nhanh chóng bình phục, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
BS Lãm cho biết, trong số 10 ca bệnh đã thay 2 khớp háng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, hầu hết là bệnh nhân trẻ tuổi, chỉ khoảng 2 đến 3 tháng sau ca mổ bệnh nhân đã có thể vận động bình thường trở lại. Tuy nhiên, khớp nhân tạo chỉ có thể sử dụng khoảng 25 đến 30 năm. Người trẻ tuổi thường phải mổ lại để thay khớp khác, việc phẫu thuật lần 2 là thách thức với các bác sĩ và người bệnh bởi nguy cơ tai biến, biến chứng ở mức cao.