Nhiều người suýt gặp tử thần vì ăn tiết canh: Phòng tránh thế nào?
Nhiều người nhập viện vì ăn tiết canh
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 16/7, thành phố vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 12 bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm 2023. Đó là người đàn ông 60 tuổi ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Báo Vietnamnet đưa tin về trường hợp này cho biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn tiết canh. Ngày 20/6, ông xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc giảm đau và về nhà điều trị nhưng không đỡ.
Một ngày sau, bệnh nhân thấy đau lan lên vùng vai gáy, kèm theo ý thức chậm chạp, được người nhà đưa đến phòng khám Quảng Tây. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì điều trị.
Ngày 24/6, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm và được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, sảng rượu và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 hai hôm sau. Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, nghiện rượu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại cơ sở y tế này, kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
Trước đó, một bệnh nhân ở Lạng Sơn cũng suýt chết vì bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. Theo các bác sĩ, nếu vào viện chậm 1 ngày, người bệnh không còn khả năng cứu chữa.
Được biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc liên cầu lợn ở Hà Nội 7 tháng đầu năm nay tăng thêm 11 ca, trong đó có 1 ca tử vong.
Cụ thể, trường hợp bệnh nhân tử vong được ghi nhận vào tháng 5/2023, bệnh nhân này là nam 48 tuổi, địa chỉ ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Bệnh nhân đã tham gia giết mổ lợn bệnh. Trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ.
Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn rồi tiếp tục xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn thế nào?
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu Streptococcus suis có hình ô van hay bầu dục, bắt màu Gram dương (+) và sắp xếp thành chuỗi. Nó có thể sống ở nhiệt độ 60 độ C trong 10 phút, 50 độ C trong 2 giờ và 10 độ C trong 6 tuần.
Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh, lợn chết mà không có đồ bảo hộ…
Bác sĩ cho biết, bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Để phòng ngừa bệnh bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, bệnh viện giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn, xử lý ổ dịch, điều trị kịp thời. Người dân không nên ăn thịt lợn chưa được nấu chín hoặc lợn ốm, chết, không ăn tiết canh. Người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc cần có biện pháp bảo hộ như đeo găng tay, khẩu trang.
Người dân tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; cần nấu chín thịt. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín,...
Nếu lợn bị bệnh thì không được giết mổ mà cần tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy trình đã quy định.
Khi sốt cao (40 đến 41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da thì nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.