Bỏ thuốc tiểu đường cụ bà bị nhiễm trùng nặng, 4 lưu ý khi mắc căn bệnh này
Tiểu đường là bệnh mạn tính với đặc trưng đường huyết luôn ở mức cao hơn bình thường. Người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị (loại thuốc uống hoặc thuốc tiêm) hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Việc tự ý dừng thuốc có thể gây ra những hệ quả đáng tiếc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì các biến chứng do tự ý ngừng thuốc điều trị và đã có người bệnh ngừng tim và tử vong.
Vì vậy, khi mắc tiểu đường người bệnh cần lưu ý:
1. Tiếp tục kiểm tra tình trạng bệnh, kể cả khi chỉ số đường huyết được kiểm soát ở mức bình thường
Bệnh tiểu đường có 2 loại:
- Type 1: Là khi cơ thể không tạo được insulin vì một vài lý do như: do yếu tố di truyền hay người đã cắt tụy, viêm tụy thì tụy không tiết ra được insulin nữa. Loại này thường xảy ra ở trẻ em, người trẻ tuổi và một số người bị bệnh ở tụy.
- Type 2: Là khi cơ thể có thể tiết ra insulin nhưng hoạt động không còn hiệu quả và loại này thường xảy ra ở người lớn tuổi hay người thừa cân.
Mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường là giúp đường huyết ổn định, ít bị hạ đường huyết, ít và chậm xảy ra biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống (vật chất, sức khỏe, tinh thần, thể lực).
Để đạt được các mục tiêu thì vai trò của bệnh nhân chiếm 99%. Nghĩa là, bệnh nhân phải hiểu đúng, làm đúng, ăn uống đúng mực, thể dục đúng cách và phải biết tự theo dõi kiểm tra đường huyết, sau cùng là uống thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Cần uống đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Vì vậy, nếu đường huyết giảm thì ngừng uống thuốc điều trị tiểu đường sẽ gây nguy hại. Bởi tình trạng lượng đường trong máu cao do tiểu đường có thể giảm xuống mức bình thường nếu bệnh nhân điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu hiệu quả của insulin là do sự lão hóa và lối sống đã có từ lâu thì khi ngừng điều trị, tình trạng tăng đường huyết có thể trở lại. Hơn nữa, vì tăng đường huyết hầu như không có triệu chứng, bản thân bệnh nhân có thể không biết vậy nên điều này hết sức nguy hiểm.
Chính vì thế, khi được chẩn đoán mắc tiểu đường, cần thường xuyên đến bệnh viện và tiếp tục kiểm tra tình trạng bệnh, kể cả khi chỉ số đường huyết được kiểm soát ở mức bình thường.
2. Chú ý đến thời điểm uống thuốc
Bệnh nhân tiểu đường nên lưu ý dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng để mang lại hiệu quả điều trị. Nếu dùng thuốc không theo giờ cố định có thể gây tăng, hạ đường huyết bất thường, tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng.
Thông thường, các loại thuốc điều trị tiểu đường được khuyên dùng trước bữa ăn 30 phút với loại có tác dụng nhanh, tác dụng chậm nên sử dụng trước khi ăn 60 phút. Uống quá xa bữa ăn có thể dẫn đến tụt đường huyết, nên đối với mỗi loại thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn và nghe theo chỉ định của bác sĩ.
3. Người bệnh tiểu đường nên chú ý đến vết thương
Khi bị mắc tiểu đường thì vết thương khó liền nên bệnh nhân cần lưu ý đến vết thương trên cơ thể. Lý do là người bệnh tiểu đường bị vết thương, hay nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn người bình thường vì khi đường máu quá cao sẽ làm cơ thể giảm khả năng chống lại vi trùng, sự lên mô hạt cũng kém dẫn đến tình trạng vết thương lâu lành.
Ngoài ra còn một nguyên nhân làm cho vết thương lâu lành là do người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường máu cao gây ức chế các hoạt động chống vi khuẩn của cơ thể.
Do đó người bệnh tiểu đường phải giữ vệ sinh vùng vết thương và chữa kịp thời tránh các tổn thương nghiêm trọng khác xảy ra.
Nên kiểm tra đường huyết thường xuyên.
4. Nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày
Người bị bệnh tiểu đường nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày bởi sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Ở người mắc bệnh tiểu đường, bàn chân và ngón chân thường lạnh do luồng máu lưu thông dẫn đến chân bị gián đoạn. Những vết trầy xước, sưng, bầm tím ở chân lâu hoặc khó lành là những dấu hiệu nên kiểm tra bệnh mỗi ngày.
Tóm lại: Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính, hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mà chỉ giữ cho lượng đường trong máu bình thường nhằm phòng ngừa các biến chứng xảy ra. Vì vậy, việc dùng thuốc cần theo chỉ định của các bác sĩ. Dù đường máu đã ở ngưỡng bình thường nhưng vẫn phải duy trì chế độ ăn kiêng và vận động thể lực hợp lý, thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu lúc đói và kiểm tra sức khỏe định kỳ.