Cách lái địa hình khó nếu ô tô đủ các tính năng off-road

Sở hữu một chiếc bán tải hay SUV dẫn động bốn bánh kèm các tính năng off-road xịn xò, nhưng người lái phải sử dụng thế nào để phát huy hiệu quả trên đường địa hình khó?

So với cách đây hơn 1 thập niên, thị trường ô tô ở Việt Nam đã phong phú hơn rất nhiều với các loại xe chạy đa địa hình trong tầm giá trên dưới 1 tỷ đồng.   Trong đó, phổ biến là dòng SUV cỡ D gầm cao 4x4 hoặc AWD, trang bị đủ các tính năng địa hình đáng chú ý gồm có Ford Everest Titanium+ 2.0L AT 4x4 (giá 1,452 tỷ đồng), Toyota Fortuner 2.7AT 4x4 (1,319 tỷ đồng), Mitsubishi Pajero Sport Diesel 4×4 AT (1,365 tỷ đồng), Isuzu Mu-X Premium 1.9 AT 4x4 (1,25 tỷ đồng), Hyundai Santa Fe 2.2 dầu tiêu chuẩn (1,155 tỷ đồng), KIA Sorento 2.5G Signature AWD (1,249 tỷ đồng).   Bên cạnh các mẫu SUV quen thuộc trên thì dòng bán tải hiện nay đã trở nên “đa-zi-năng” khi gần như đủ các tính năng địa hình, đi kèm trang bị tiện nghi không thua kém, trong khi giá bán rẻ hơn.   Có thể kể tên các mẫu xe bán tải số tự động, dẫn động 2 cầu, sẵn chế độ cài cầu điện tử và một số tính năng hỗ trợ đi đường khó, như Ford Ranger XLS 2.0L 4X4 AT (giá 756 triệu đồng), Nissan Navara 4WD cao cấp (giá 945 triệu đồng), Mitsubishi Triton 4×4 AT Athlete (giá 905 triệu đồng), Isuzu D-Max Prestige Hi-Lander (781 triệu đồng).   Dù khác biệt công năng, giá bán, kiểu dáng nhưng điểm chung của những phiên bản bán tải, SUV cao cấp là đều có khả năng hỗ trợ người lái ở mức tối đa khi di chuyển đường xấu, đường cần off-road.    Tuy nhiên dù hiện đại đến mấy, người lái cũng cần có thời gian làm quen và lưu ý kích hoạt tính năng hỗ trợ phù hợp, đúng lúc.

Dưới đây là những chia sẻ đến từ hai chuyên gia Trần Mạnh Hùng (Chủ nhiệm Câu lạc bộ ô tô địa hình Hà Nội) và Bùi Tuấn Anh (thành viên Câu lạc bộ ô tô địa hình Hà Nội) về cách lái địa hình khó nếu ô tô đủ các tính năng off-road.   Xuống dốc cao, trơn trượt   Theo anh Bùi Tuấn Anh, tính năng hỗ trợ đổ đèo/dốc trên các dòng SUV và bán tải không hẳn mặc định chỉ cho việc đi đồi núi mà có thể áp dụng ngay ở thành phố, khi lái xe phải xuống các dốc hầm chung cư.    Chỉ với một nút bấm (biểu tượng giống như một chiếc xe đang đi xuống dốc), tính năng này sẽ giúp người lái giảm thiểu dùng tới chân phanh, chỉ cần tập trung tới việc điều khiển vô lăng. Trên một số dòng xe đời mới như Ford Everest 2022, nút bấm sẽ hiển thị trên màn hình cảm ứng và thông tin tính năng hiển thị ngay ở màn hình trước vô-lăng.   Nếu con dốc có bề mặt bê tông hay nhựa đường thì chỉ cần kích hoạt tính năng hỗ trợ đổ dốc, nhưng nếu dốc trơn trượt hoặc gồ ghề, nên bật thêm chế độ cài cầu nhanh (4H) để tăng độ bám đường. Trường hợp dốc đá, địa hình cứng gập ghềnh, nên chuyển sang cầu chậm (4L).

Kích hoạt tính năng hỗ trợ đổ đèo, xuống dốc chỉ bằng nút bấm.

Đi đường nghiêng, bánh trên bánh dưới   Anh Trần Mạnh Hùng cho biết dạng địa hình khiến xe nghiêng hẳn một bên thường ít thấy ở thành phố nhưng nếu đi dã ngoại, leo đồi sẽ rất hay gặp bởi đường đi ở những nơi này thường khó đoán trước.   Ở trong tình huống đi nghiêng với hai bánh hai bên dọc theo thân xe không cùng chung mặt phẳng, người lái cần duy trì tốc độ không nhanh quá mà cũng đừng nên chậm quá. Chế độ cài cầu nhanh 4H trong trường hợp này sẽ thích hợp nhất để xe duy trì độ bám đường.   Đi qua đường có nhiều hố so le   Đây là tình huống điển hình trong các bài thi off-road và trong thực tế cũng rất hay gặp với những người thích lái xe đi khám phá ở những vùng đất mới chưa sẵn đường nhựa. Việc phải di chuyển qua các hố “ổ trâu” quá gần nhau khiến các bánh xe không đồng thời cùng nằm trên một mặt phẳng.

Lúc này, cứu cánh cho người lái đó chính là hệ thống cài cầu chậm và khoá vi sai cầu sau. Để kích hoạt chế độ 4L, hãy về số N, và sau đó xoay núm hoặc bấm bấm để vạch chỉ dẫn hướng về ký hiệu của chế độ này. Đồng thời bấm nút kích hoạt khoá vi sai cầu sau.   Khi di chuyển qua đường có hố so le, cần giữ chắc vô-lăng và đều chân ga nhưng không nên đi quá nhanh.   Di chuyển qua bùn lầy, ngập nước   Nếu phía trước là một đoạn ngập nước và có sẵn bùn lầy. Cần xác định độ sâu hay nông của nước và hỗn hợp bùn lỏng hay đặc. Với độ khó không cao thì chỉ cần cài chế độ cầu nhanh 4H và giữ đều chân ga đi qua với tốc độ trên 15 km/h là đủ.   Ở trường hợp bùn đặc, cần cài sẵn khóa vi sai cầu sau và bộ gài cầu chậm 4L. Nên tránh các động tác đột ngột, điều khiển xe nhẹ nhàng và giữ tay lái thẳng nếu có thể.

Với nhiều dòng xe địa hình hiện đại, việc cài cầu điện tử trở nên nhẹ nhàng

Đối với bùn cứng, bạn có thể đánh tay lái nhẹ sang hai bên khi tiến lên, như vậy thành lốp sẽ bám vào bùn và tăng thêm độ bám cho lốp xe.   Leo dốc đất   Trong tình huống phải leo lên dốc cao bằng đất, tài xế cần xác định khả năng cao bánh xe sẽ bị mất độ bám đường nên cần duy trì lực mô-men xoắn ổn định. Do đó nên chuyển chế độ cầu nhanh 4H kết hợp khoá visai cầu sau nếu dốc không quá trơn trượt. Đồng thời giữ đều chân ga ở vòng tua máy không dưới 2.000 v/ph.   Trường hợp dốc trơn, ướt, có thể chuyển sang chế độ cầu chậm 4L, tiếp tục giữ đều chân ga và hạn chế phải phanh ở lưng chừng dốc vì khi đó không chỉ mất đà mà bánh xe mất độ bám có thể làm tăng độ trơn trượt của mặt đường.   Lái xe trên đường cát   Cài cầu và khoá vi sai cầu sau là việc cần thiết trước khi lao xe qua đường cát, bờ biển. Việc cài cầu giúp cho lực kéo được phân phối đều cho cả 4 bánh, giảm độ trượt bánh và do đó còn có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu nữa. Thêm vào đó, bánh trước được truyền lực sẽ giúp lái xe trên cát trở nên rất nhẹ nhàng.   Chế độ 4H và giữ tốc độ ổn định, không thấp quá là điều nên làm khi di chuyển qua đường cát. 

Khi lái xe trên đường cát, tay lái sẽ rất nhẹ và có xu hướng tự chỉnh theo các rãnh cát dọc đường. Bạn chỉ cần giữ nhẹ tay lái và để cho xe tự chạy thẳng, nhưng cũng cần phải sẵn sàng nắm chặt tay lái khi có chướng ngại vật bất ngờ ở dưới cát làm cho tay lái bị lệch đi.   Nếu bạn không thể thoát khỏi các rãnh cát sâu dọc trên đường bằng hướng tiến, bạn có thể dừng xe lại, vào số lùi, lùi lại theo đúng vệt bánh của mình. Cát ở vệt bánh xe đã được nén chặt hơn nên đỡ bị sa lầy. Khi có đủ khoảng cách, có thể thử tiến lên lại theo vệt bánh cũ của mình nhưng với tốc độ cao hơn một chút.   Tận dụng các tính năng hỗ trợ an toàn trên xe   Khi di chuyển qua đường khó với những tình huống điển hình như ở trên, nên tận dụng các trang bị hỗ trợ an toàn nếu có như camera 360 độ, cảm biến vật cản, đồng hồ đo độ dốc,… 

Quan sát được thông số độ nghiêng, độ dốc của địa hình giúp tài xế đưa ra phán đoán tốt hơn.

Những quan sát được bên ngoài, âm thanh cảnh báo và thông số độ dốc sẽ giúp người lái đưa ra được quyết định chính xác, hiệu quả.

Bạn có trải nghiệm gì về những chiếc ô tô của mình? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!