Khoảnh khắc ấn tượng đàn trâu Việt Nam

Con trâu kéo cày trên đồng ruộng, đứng gặm cỏ trên bãi, nằm nghỉ ngơi bên lũy tre làng, cùng đầm mình trong vũng ao, hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thi vị, thanh bình của miền quê Việt Nam.
Hình ảnh người nông dân từ lâu đã quen với con trâu đi trước cái cày đi sau. Ngày xưa chưa có máy cày, máy trục hiện đại như bây giờ, phải dùng sức trâu bò kéo cày để xới đất. Con trâu hiền lành siêng năng đã giúp ích cho người nông dân rất nhiều từ việc làm đất, cày bừa, đến việc kéo lúa về sân.

Hình ảnh người nông dân từ lâu đã quen với con trâu đi trước cái cày đi sau. Ngày xưa chưa có máy cày, máy trục hiện đại như bây giờ, phải dùng sức trâu bò kéo cày để xới đất. Con trâu hiền lành siêng năng đã giúp ích cho người nông dân rất nhiều từ việc làm đất, cày bừa, đến việc kéo lúa về sân.

Công việc chăn trâu ở nông thôn Việt Nam không chỉ người lớn mới biết, mà trẻ con ai nấy đều thành thạo. Ngày xưa ở mỗi gia đình nghèo, con cái phải đi ở cho nhà giàu hoặc gia đình có trâu nhưng không đủ sức thuê người giữ, con cái phụ giúp gia đình đi chăn trâu là lẽ thường.

Trâu là con vật có dấu ấn sâu đậm nhất trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Con trâu đứng hàng thứ 2 trong thập nhị chi và là con vật gần gũi nhất trong lao động sản xuất với con người. Có nhiều người đánh giá thấp trẻ chăn trâu khi con cái lười học, thường răn đe “không học thì đi chăn trâu”. Thực ra trẻ chăn trâu cũng có đứa được đến trường, đi học một buổi hay đi chăn trâu vào những ngày nghỉ học. “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi trên mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao”.

Con trâu không chỉ là đầu cơ nghiệp, mà còn mang những giá trị tâm linh khi nhiều nơi người ta gọi trâu là ông trâu, trâu vàng, trâu bạc. Trong những câu chuyện xưa, ta có thể bắt gặp nhiều hình ảnh trâu, như câu chuyện của Đinh Bộ Lĩnh từ đứa trẻ chăn trâu đến việc thống nhất 12 xứ tướng và làm vua; câu chuyện chú Quậy chăn trâu ngồi gốc cây đa; hay câu chuyện Tấm Cám cũng có việc chăn trâu…

Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Ông cha ta từ xưa đã có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” để nói lên vị trí, vai trò quan trọng của trâu đối với đời sống nông nghiệp.

Trâu còn được ví von qua nhiều câu thành ngữ. Như, chỉ sự ganh ghét nhau người được người không, người ta thường nói: “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Hay theo quan niệm xưa của ông bà ta, khi đôi trai gái có ý tiến tới hôn nhân, người con trai phải ngỏ lời, “đặt vấn đề”, thổ lộ tình cảm trước người con gái, nên mới có câu “Trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu”.

"Tậu trâu lấy vợ làm nhà, trong ba việc ấy thật là khó khăn". Việc tậu trâu còn đứng trước cả việc lấy vợ, làm nhà, đủ biết vị thế của con trâu thế nào. Trâu là phương tiện làm nghề nông nghiệp hiệu quả và năng suất cao. Làm ruộng lúa nước mà không có trâu thì coi như vứt đi.

Ai đã từng chăn trâu mới hiểu được hết cái sự tự do, vui đùa riêng một cõi, ngồi trên lưng trâu rong ruỗi khắp cánh đồng, ung dung và oai hùng như một mãnh tướng. Việc chăn trâu không cực khổ gì nhiều, chỉ cần siêng năng là được. Sáng dậy thật sớm dắt trâu vào ăn những bờ mẫu, bờ ruộng, đến chiều lùa trâu về.

Trâu Việt Nam có đặc tính chung là hiền lành, thân thiện nên được nuôi phổ biến ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trung bình một con trâu trưởng thành có thể nặng từ 250 - 500kg. Chân trâu rất khỏe, vững chắc để đỡ cả thân mình, bốn chân thẳng to, gân guốc.

Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua.

Trong tín ngưỡng nông nghiệp, chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước, lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Một số vùng nông thôn Việt Nam có tục lệ là làm Tết Trâu.

Ngoài ra, trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu... Con trâu còn xuất hiện trong âm nhạc, hội họa Việt Nam, đặc biệt là trong dòng tranh Đông Hồ.

Trâu là con vật được dùng vào việc lễ tế thần thánh. Ở văn hóa phương Đông, một trong những tôn giáo lớn là đạo Phật có nhiều câu chuyện về trâu, mượn hình ảnh loài vật này để nói về triết lý, văn hóa, đạo lý sống, đó là tự chăn tâm mình, tự chăn tâm ngã như là thuần phục một con trâu.

Người nông dân không những coi trâu như một người bạn mà còn là người bạn thân thiết. Hình ảnh con trâu cũng là hình ảnh của chính họ, những nông dân Việt Nam dãi nắng dầm mưa, cần cù, chịu thương chịu khó.

Bên cạnh sử dụng sức kéo, thì trâu còn là một trong những vật nuôi cung cấp thực phẩm cho con người. Ngoài thịt trâu được chế biến thành nhiều món ăn, sừng trâu, da trâu còn là những vị thuốc quý, chữa nhiều bệnh cho con người.

Đời sống tinh thần và lao động sản xuất của người Việt Nam đã ghi nhận vai trò không thể thiếu của con trâu từ xa xưa đến nay. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù, khỏe mạnh gắn liền với lũy tre làng là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt từ ngàn năm qua.

Theo Vietnamnet