Xung lực mới cho phát triển văn hóa

Sáng nay (17/12), hội thảo Văn hoá năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức tại Bắc Ninh với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khoảng 800 đại biểu, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Thế hệ trẻ có vai trò không nhỏ trong việc thực hiện các vấn đề liên quan đến phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Mục đích của Hội thảo nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Hội thảo cũng tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kỳ vọng, hội thảo sẽ tạo ra một xung lực mới cho phát triển văn hóa; là dịp để củng cố quyết tâm, có thêm hành động cụ thể, phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Các chủ đề của hội thảo, có 3 vấn đề quan trọng đối với sự phát triển văn hóa là: Thể chế, chính sách và nguồn lực. Đây là những chủ đề hết sức phù hợp, đặc biệt là đối với vai trò của Quốc hội như là một trong những cơ quan tổ chức chính.

“Tôi cho rằng, chúng ta cũng có thể xem đây là những nhân tố mang tính đột phá mà nếu xử lý được, sẽ tạo ra một xung lực mới cho phát triển văn hóa. Khi chúng ta có được những giải pháp phù hợp - như đối với luật pháp liên quan đến văn hóa như di sản, nghệ thuật biểu diễn, đất đai, thuế, địa vị pháp lý cho các mô hình kinh doanh sáng tạo..., chính sách phù hợp hơn cho phát triển công nghiệp văn hóa, khơi thông được nguồn lực sáng tạo từ các văn nghệ sĩ, chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn để phát triển lĩnh vực quan trọng này.

Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, sẽ là nơi triển khai phù hợp những kết luận từ chính hội thảo này. Tôi cho rằng, chúng ta đã rất thành công trong công cuộc đổi mới về chính trị, đổi mới về kinh tế, giờ đây chúng ta rất cần có một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng phát triển của đất nước, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển chung của xã hội. Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của tôi”, ông Sơn nói.

Cơ chế chính sách, chủ trương giống như ngọn cờ phất lên rồi, cần cả hệ thống từ chính trị, kinh tế, xã hội vào cuộc.

NSƯT Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng, chủ trương, cơ chế chính sách đã xác định phải phát triển nghệ thuật đỉnh cao như yêu cầu tất yếu, cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội đều vào cuộc, đồng sức đưa nghệ thuật đỉnh cao trở thành mũi nhọn của văn hóa Việt Nam.

“Chúng ta có trong tay rất nhiều nhân tố làm nên nghệ thuật đỉnh cao, nhưng chưa đầy đủ. Chúng ta thiếu nhiều thứ, như thiếu những nhà hát đủ tiêu chuẩn, thiếu hệ thống con người sản xuất, những workshop hay thảo luận tập thể nói về câu chuyện đào tạo, câu chuyện nhìn ra thế giới, mời nghệ sĩ thế giới đến làm việc…

Vĩ mô hơn, đó là thái độ ứng xử và trân trọng nghệ sĩ, là chế độ, chính sách dành cho văn nghệ sĩ. Thú thực, trong một xã hội phát triển nóng như thế này, để ai hết lòng, hết sức, không nghĩ đến kinh tế thì cũng khó”, NSƯT Trần Ly Ly nói.

Chính vì thế, NSƯT Trần Ly Ly kỳ vọng, cơ chế chính sách, chủ trương giống như ngọn cờ phất lên rồi, cần cả hệ thống từ chính trị, kinh tế, xã hội vào cuộc, xem đó là một điều rất cần thiết để hướng tới.

“Chúng ta đừng nhìn nghệ thuật chỉ ở bề mặt, mà hãy đặt trong tổng thể để thấy nền tảng giá trị của nó thật tuyệt vời, có sức mạnh tác động ngược trở lại với sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị lớn lao như thế nào. Chúng ta cần tiếng nói đồng bộ nữa, mọi người đồng sức, đồng lòng phát triển, coi nó như một mũi nhọn của văn hóa Việt Nam. Đó là nền tảng để phát triển lâu dài và bền vững”, NSƯT Trần Ly kỳ vọng trước thềm hội thảo.

Nhìn nhận riêng lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, đã đến lúc cần tìm ra và định vị đội ngũ có năng lực sáng tạo, định hướng cho ngành và xóa đi ranh giới trong và ngoài Nhà nước để có thể huy động sự đóng góp, xây dựng cho nền công nghiệp âm nhạc. Nhạc sĩ mong muốn hội thảo này có thể bàn bạc và đi đến những thống nhất theo hướng khuyến khích sáng tạo văn hoá – đặc biệt là giới trẻ.

"Cần có những đánh giá một cách khách quan về cái mà chúng ta cần tạo ra. Đó chính là môi trường làm việc, môi trường sáng tạo, thị trường cạnh tranh lành mạnh... để có một nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến. Những sáng tạo mới của chúng ta rất ít có cơ hội xuất hiện, được thể nghiệm, bởi sự lạc hậu thiếu cởi mở của những nhà tổ chức và cả những nhà quản lý. Rất dễ bị soi xét khi có những thể nghiệm, càng ít cơ hội để có được không gian phù hợp, cho phép hay hậu thuẫn cho những sáng tạo và thể nghiệm mới", nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Với nhà thơ Hữu Việt, ông cho rằng, chính sách, thể chế gì đi nữa thì phải phục vụ cho phát triển nguồn lực, con người cầm bút, mà việc đầu tiên và quan trọng nhất là đầu tư cho tài năng.

Ông kỳ vọng: “Chúng ta cần một nguồn lực tài chính, một chiến lược bài bản, kiên trì để cung cấp kiến thức văn chương và tri thức tổng hợp cho các nhà văn trẻ. Nhà nước cần có chính sách và nguồn lực mạnh mẽ thu hút và khuyến khích người viết trẻ thông qua các cuộc thi, giải thưởng văn học mang giá trị cao. Nhà nước có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có những thiết chế phù hợp để khuyến khích các cây bút trẻ...".