Thủ tướng truyền thông điệp công bằng, công lý với các nước nghèo đến EU
Những cái bắt tay hợp tác bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - EU
Thủ tướng lên đường thăm chính thức 3 nước châu Âu, dự Hội nghị cấp cao ASEAN - EU
Những dấu mốc đặc biệt trong quan hệ ASEAN - EU
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương Quốc Bỉ, trưa ngày 13/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU bên lề Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-EU với chủ đề “Tăng cường thương mại ASEAN-EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người”.
Đề cao chủ nghĩa đa phương,
Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 5 thông điệp quan trọng.
Cụ thể, Thủ tướng kêu gọi tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước. Hiện có nhiều vấn đề mang tính toàn cầu mà không một nước nào có thể đứng ngoài cuộc hay có thể xử lý một mình.
“ASEAN và các đối tác chiếm gần một nửa dân số và 2/3 GDP toàn cầu. Trong đó, ASEAN và EU có diện tích tương đối lớn, dân số gần một tỷ người, chúng ta cần đoàn kết, cùng suy nghĩ, hành động, cùng hướng tới tương lai”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối, các nhà nước cần hài hòa hóa quy định trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thông điệp thứ hai được Thủ tướng đưa ra là tập trung phân tích về biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế sau khi bị bào mòn bởi dịch Covid-19 lại tiếp tục phải đối mặt nhiều vấn đề như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, lương thực… và biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Biến đổi khí hậu tác động tới mọi người nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể.
"Mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các chính sách này"- Thủ tướng nêu rõ.
Trả lời câu hỏi “doanh nghiệp phải làm gì và nhà nước phải làm gì”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh. Nhà nước phải thiết lập thể chế phù hợp, hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Các nước phát triển phải giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế. Bên cạnh đó, phải bảo đảm công bằng, công lý với các nước nghèo, các nước đang phát triển và gánh vác trách nhiệm như các nước phát triển trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải
Thứ ba, Thủ tướng cho rằng quan hệ thương mại giữa EU và ASEAN ngày càng phát triển toàn diện về quy mô, phạm vi và tính chất nên các nước phải hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, tạo nền tảng, điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy năng lực, sáng tạo, trách nhiệm, kết nối mạnh mẽ hơn, phát huy các thành quả đã đạt được.
Nhà nước phải tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình này với việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế 2 lần, thông quan hàng hóa nhanh chóng. Việt Nam và EU đã thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và các nước EU đang tiếp tục thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Thông điệp thứ tư được Thủ tướng nhấn mạnh là các doanh nghiệp phải tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; an ninh lương thực; an ninh năng lượng; an ninh mạng.
Một xu thế quan trọng hiện nay là phát triển điện gió, điện mặt trời, những nguồn năng lượng không bị mất đi dù chiến tranh có xảy ra hay cạnh tranh chiến lược gay gắt. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tham gia bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau; đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Thông điệp cuối cùng Thủ tướng đưa ra là Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
"Là đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhất quán quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải"- Thủ tướng khẳng định.
Việt Nam nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.
“Chúng tôi luôn cởi mở chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh lâu dài và thành công tại Việt Nam, Chúng tôi cam kết giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời ổn định chính sách lâu dài để các nhà đầu tư kinh doanh, bảo toàn vốn, có lãi và phát triển”, Thủ tướng nói
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh cần cách tiếp cận mới trong phát triển, đặc biệt là trong khai thác các tài nguyên số. Phát triển kinh tế trong giai đoạn mới cần hết sức quan tâm vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, khi “ngay cả rác thải cũng có thể trở thành tài nguyên”. Nhắc tới quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng mà các nước phát triển và Việt Nam sẽ tuyên bố trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông cho rằng các bên đang đi đúng hướng trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu. |
Thu Hằng (từ Brussels, Vương quốc Bỉ)