Thủ tướng: Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Bỉ đều thấy yên tâm khi đến Việt Nam

Trước khi rời Bỉ, kết thúc chuyến công du đến châu Âu, cuối giờ chiều 15/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ và gặp gỡ một số đối tác.

Thủ tướng bày tỏ rất vui và rất xúc động khi Nhà Vua, Công chúa Bỉ, nhà quản lý và các doanh nghiệp hiện diện đông đủ tại diễn đàn.

Chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu

Thủ tướng khái quát lại tình hình thế giới với những thay đổi nhanh, biến động lớn, cạnh tranh chiến lược ngày càng phức tạp, rủi ro giữa các cuộc xung đột rất khó lường, kinh tế thế giới từ đầu năm giảm sút và dễ suy thoái nếu hành động không kịp thời… Đó là những vấn đề toàn cầu, cần có cách ứng phó toàn cầu, cùng chung tay giải quyết. 

“Không một quốc gia nào đứng ngoài cuộc và có thể giải quyết một mình những vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh, phải hành động kịp thời. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cuộc gặp gỡ cấp cao giữa ASEAN – EU, nơi có gần một tỷ dân thể hiện sự chung tay đoàn kết toàn cầu. “Chúng ta phải đoàn kết thống nhất, chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khái quát lại mối quan hệ của Bỉ và Việt Nam với bề dày lịch sử 50 năm, ngày càng bền chặt trên các lĩnh vực, cả kinh tế, đầu tư, thương mại.

“Chúng tôi đang mời Nhà Vua, Công chúa và lãnh đạo Bỉ đến Hà Nội trao đổi kinh nghiệm, nâng tầm quan hệ lên giai đoạn mới thiết thực, hiện quả, sâu sắc hơn”, Thủ tướng cho biết.

Điểm lại những con số đáng chú ý, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là đối tác có quan hệ thương mại, đầu tư lớn nhất của các nước ASEAN ở Bỉ. Trong 10 tháng đầu năm, quan hệ thương mại 2 chiều là 4 tỷ USD và hy vọng cả năm, kim ngạch 2 chiều lên 5 tỷ USD. Hiện vốn cam kết của Bỉ hơn 1 tỷ USD, trong đó các dự án lớn đang làm các thủ tục cần thiết để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam - Bỉ có 2 nền nông nghiệp phát triển với những sản phẩm có thể bổ sung cho nhau. 

“Các bạn có bánh mì, chúng tôi có gạo. Các bạn có lê có táo, chúng tôi có xoài, nhãn, vải, thanh long…”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dẫn chứng và cho rằng, hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau.

Để làm rõ hơn đường hướng trong thời gian tới, Thủ tướng khái quát lại tình hình của Việt Nam. Cách đây 30 năm, bình quân đầu người chỉ có 100 USD, quy mô nền kinh tế 4 tỷ USD, nay Việt Nam có quy mô nền kinh tế đạt 400 tỷ USD, lọt top 20 nước có thương mại lớn nhất thế giới; ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với hơn 64 nước và nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có EU.

Cùng nhau phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc

Hiện Việt Nam đang triển khai đột phá lớn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Trong đó, lấy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư làm động lực phát triển kinh tế; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu trong các chính sách phát triển. 

“Chúng tôi không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần và luôn tôn trọng quyền con người, đề cao quyền con người”, Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh, Việt Nam luôn giữ được ổn định chính trị, bảo đảm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. 

Về đối ngoại, Thủ tướng khẳng định đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy với tất cả các nước. 

“Chúng tôi là nơi tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và Kim Jong-un, kêu gọi các nước giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là thế mạnh của Việt Nam để các nhà đầu tư yên tâm. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Bỉ đến Việt Nam đầu tư đều cảm nhận được điều này.

Theo Thủ tướng, Việt Nam phải đi theo xu thế thời đại, tập trung vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đầu tư liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, phải phát triển hạ tầng cả cứng và mềm, hạ tầng số. 

“Chúng ta sẽ bổ sung thị trường cho nhau. Mong các nhà đầu tư Bỉ, các doanh nghiệp đã và đang làm tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng kêu gọi.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong quá trình đầu tư, chẳng có chỗ nào chỉ có thuận lợi hay khó khăn. Vấn đề là cùng nhau phát hiện, xử lý những khó khăn vướng mắc một cách kịp thời. 

“Thủ tục hành chính có nơi, có lúc chưa ổn thì mong các bạn chia sẻ, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết. Vấn đề cơ bản là lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp đầu tư theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhắn nhủ đến các nhà đầu tư Bỉ.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng thăm và làm việc với Trung tâm IMEC tại TP. Leuven, Vùng Flanders, một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao hàng đầu của Bỉ, cũng như của EU. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị IMEC tăng cường hợp tác, kết nối với Việt Nam với vai trò là một thị trường, nơi nghiên cứu và nền văn hóa có thể bổ sung cho thành công của IMEC. Đồng thời giúp Việt Nam có thể có bước tiến nhanh chóng với tinh thần cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

IMEC thành lập năm 1984, là một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ chuyên về nghiên cứu và phát triển công nghệ số và công nghệ nano trong lĩnh vực điện tử. IMEC là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới với cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và hoạt động hợp tác với các công ty hàng đầu như Samsung, Intel, TMSC, Meta, Sony, Google, Apple, Microsoft… 

Năm 2021, IMEC đạt doanh thu khoảng 732 triệu EUR và năm 2022 dự kiến đạt khoảng 825 triệu EUR; trong đó 75% doanh thu đến từ các doanh nghiệp.