Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP.HCM cắt kế hoạch vốn dự án không có khả năng giải ngân
Sáng 7/12, HĐND TP.HCM đã khai mạc kỳ họp thứ 8, kỳ họp thường niên cuối năm 2022.
Tham dự và phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, cùng với cả nước, thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực… để đạt kết quả đáng mừng như: Thu ngân sách ước năm 2022 ước đạt 457.500 tỷ đồng, bằng 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đã đạt hơn 141 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 120 tỷ USD; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được đảm bảo, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đối ngoại được tăng cường, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo ông Mẫn, những thành tựu đạt được có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với thành phố mà tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 cùng với các thách thức khác, tăng trưởng kinh tế của thành phố có xu hướng chậm lại.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng ngày càng phức tạp. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng của thành phố. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa đáp ứng các tình huống dịch bệnh bất thường.
Bên cạnh đó, những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí, rác thải; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tệ nạn xã hội, ma túy. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Qua đó, ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu các ngành của thành phố cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần nắm chắc, kịp thời thể chế hóa, triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là những nội dung rất quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt tại 5 Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tích cực chuẩn bị các nội dung Bộ Chính trị đã cho ý kiến về tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM trình Quốc hội khóa 15 trong kỳ họp gần nhất.
Ông Mẫn yêu cầu TP thường xuyên theo dõi, nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của từng đơn vị cấp huyện, xã, để tháo gỡ kịp thời; tập trung cao độ để phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, quản lý thu chi ngân sách nhà nước.
“Kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân để điều chuyển cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao, tập trung đầu tư cho phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Song song với phát triển kinh tế, ông Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu hệ thống chính trị TP cần chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có những giải pháp hiệu quả trong chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đồng thời, đề bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu thành phố tăng cường trấn áp tội phạm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.
Xem xét dừng 17 dự án chậm tiến độ
Cũng tại kỳ họp này, UBND TP.HCM đã trình HĐND về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó đề xuất cắt giảm các dự án được bố trí nhiều vốn nhưng chậm giải ngân, không có khả năng tiếp tục để dành ngân sách tập trung vào dự án cấp bách khác trong năm 2023.
Những dự án cấp bách, theo UBND TP.HCM là vành đai 2, cải tạo rạch Xuyên Tâm, xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo đó, có 17 dự án được đề xuất tạm dừng do tiến độ triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm; có khả năng đội vốn, chưa thể triển khai trong năm 2023. Trong đó có dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới; bồi thường giải phóng mặt bằng và làm đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng, TP Thủ Đức); nút giao thông tại cổng chính Đại học Quốc gia TP.HCM..
Đồng thời, có hơn 70 dự án được điều chỉnh tăng, bổ sung vốn; giảm vốn hơn 112 dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung; giảm 361 dự án sử dụng vốn ngân sách TP bổ sung cho cấp huyện và giảm 1 dự án sử dụng vốn bố trí cho lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật.