Câu hỏi 'ở hay về' của kiều bào và lời giải đáp của Thủ tướng
Trước khi rời Luxembourg vào chiều 10/12 (16h địa phương, 22h Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành hơn một giờ đồng hồ gặp gỡ và lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào.
Dưới cái rét 1 độ C, chiều đông Luxembourg bỗng trợ nên ấm áp hơn, khi khán phòng nơi đón tiếp bà con kiều bào dường như không còn chỗ trống nào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bước vào, tiếng vỗ tay vang cả khán phòng. Thủ tướng tiến thẳng đến bắt tay, ân cần thăm hỏi bà con kiều bào và dành cử chỉ thương yêu đặc biệt với các “kiều bào nhí”.
Luôn tôn trọng sự lựa chọn của bà con
Chia sẻ với Thủ tướng, ông Vũ Xuân Thắng - một chuyên gia nghiên cứu viễn thông tại Đại học Luxembourg thuộc thế hệ 8X bày tỏ mong muốn được thông tin về kế hoạch hợp tác với Luxembourg ở lĩnh vực viễn thông. Ông cho biết, bà con kiều bào sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực này.
Sinh viên Nguyễn Bảo Vân, đang học thạc sĩ khoa học giáo dục tại Luxembourg thay mặt 30 du học sinh theo học ngành tài chính, kinh tế bày tỏ trăn trở về việc nên “ở lại hay quay về Việt Nam” sau khi học xong.
Em Bảo Vân cho biết, hầu hết các sinh viên đều mong muốn quay về nhưng cũng lo ngại môi trường làm việc còn hạn chế trong việc tạo điều kiện để cá nhân phát triển và đãi ngộ chưa tốt.
“Nguồn nhân lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Liệu trong tương lai Việt Nam có thay đổi về cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng, để du học sinh quay về Việt Nam làm việc, cống hiến cho sự phát triển của đất nước không?”, sinh viên Nguyễn Bảo Vân gửi gắm đến Thủ tướng.
Phúc đáp tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào, Thủ tướng ghi nhận những chia sẻ rất chân thành, thể hiện tinh thần yêu nước rất rõ của kiều bào.
Thủ tướng cho biết, trong các cuộc thăm và làm việc ở nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian gặp gỡ, lắng nghe tâm tư của bà con kiều bào. Qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với bà con kiều bào ở nước ngoài.
Giải đáp các câu hỏi đặt ra của kiều bào, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng sự khác biệt, sự lựa chọn, quyền con người. Vì vậy, việc các em sinh viên sau khi kết thúc khóa học có thể ở lại hoặc về nước, đấy là lựa chọn của mỗi người, quan trọng nhất là luôn yêu quê hương, đất nước mình.
Theo Thủ tướng, trong thế giới phẳng hiện nay, dù ở xa Tổ quốc bao nhiêu, nếu như yêu đất nước thật sự sẽ có nhiều cách để giúp quê hương đất nước. và điều quan trọng là thấy sống ở đâu thoải mái, cống hiến tốt trước tiên cho chính mình và gia đình.
Thủ tướng khẳng định: “Đảng không có mục tiêu nào khác là làm cho nhân dân sống trong độc lập tự do, mọi người hạnh phúc ấm no. Cho nên bà con ở đâu thấy thoải mái, cuộc sống hạnh phúc ấm no thì Đảng, Nhà nước tôn trọng sự lựa chọn đó. Có hạnh phúc, ấm no, khỏe mạnh thì mới lo được cho bản thân, gia đình và cho đất nước, dân tộc mình”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phần không thể tách rời của các dân tộc Việt Nam. Mọi chính sách hướng đến người dân trong nước như thế nào thì cũng hướng đến bà con ở nước ngoài như vậy”. Thủ tướng cam kết, Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách đúng đắn để bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các quan chức Luxembourg, Thủ tướng đều gửi gắm sự quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở đây.
Yêu nước không hạn chế trong nước hay ngoài nước
Thủ tướng chia sẻ về câu hỏi ở lại hay về Việt Nam của bà con kiều bào, đây là câu hỏi thường trực của các lưu học sinh, là câu hỏi thể hiện lòng yêu nước. “Ở lại hay về là do chính mình. Ở đâu mà trái tim, khối óc, tình cảm của mình góp phần xây dựng bảo vệ đất nước, giúp gia đình tốt nhất thì mình làm. Đó là lựa chọn của các bạn”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ khuyên các cháu học sinh tự mình đánh giá để làm sao ở đâu trái tim, khối óc, tình cảm, công việc hướng về quê hương đất nước thì đấy đều yêu nước.
“Yêu nước không hạn chế phạm vi, địa bàn, trong nước hay ngoài nước, miễn là đóng góp được cho đất nước thì ở đâu cũng là yêu nước", người đứng đầu Chính phủ nhắn nhủ.
Về chính sách khuyến khích nhân tài, Thủ tướng thông tin, Chính phủ có Nghị định khuyến khích người học suất sắc được tuyển thẳng vào công chức với đãi ngộ tốt hơn, hưởng lương cao hơn người bình thường.
Ngoài ra, Bộ Chính trị đã phân công Chính phủ xây dựng chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
“Người có tài năng thì không ai bỏ qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.