Bộ trưởng Công Thương giải trình về tình trạng bán xăng nhỏ giọt

Sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức “phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu”.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước hiện nay như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ vừa có nguyên nhân chủ quan là các cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp. 

 Ảnh: QH

Phiên giải trình là cơ hội đối thoại trực tiếp giữa các ĐBQH và cơ quan quản lý nhà nước, giúp Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình sửa đổi Nghị định 95/2021.

Công thức tính giá xăng dầu đang tạo ra sự “lệch pha” với thế giới

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện để khắc phục. 

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là kịp thời sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan; thực hiện đầy đủ và phân định trách nhiệm rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương cũng như của các doanh nghiệp  để đáp ứng nguồn cung…

Tại phiên giải trình, các ĐBQH thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành. Chẳng hạn như doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế.

Xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch. Phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh.

Vẫn còn tình trạng chưa “tính đúng, tính đủ” cho doanh nghiệp, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hằng năm nên không phù hợp với tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất “trần”, vừa tạo ra sự “lệch pha” giữa giá Việt Nam và giá thế giới.

Việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá; điều kiện kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, chưa có sự ràng buộc về mức cung ứng tối thiểu ra thị trường. Cạnh đó, quản lý nhà nước về xăng dầu giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ.

Có đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc để loại bỏ xăng dầu giả, kém chất lượng khỏi thị trường, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đầu cơ, “găm hàng” trong kinh doanh xăng dầu.

Cùng với đó nghiên cứu xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp hơn để góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp và người dân, kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững…

Cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao. Trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung). Sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).

Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Ngoài ra, ông Diên cũng cho hay, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và trình Thủ tướng lần thứ tư vào ngày 27/12/2022. Theo đó, Bộ  đề xuất từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày; giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng. 

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ.

Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối của ngân sách (hiện nay mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia).

Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các DN. 

Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định.

Bộ trưởng Công thương nhìn nhận, việc công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Lý do hiện nay Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các DN, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế. 

Trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường của bộ đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.