‘Bác sĩ mình giỏi, không kém người nước ngoài’

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hàng năm đang ‘chảy máu’ ngoại tệ khi nhiều người sang Singapore, Nhật Bản khám chữa bệnh. Trong khi đó, cơ sở Nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu.

Sáng 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật đã quy định các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh và các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, dự thảo luật quy định, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm các yếu tố như giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có).

Trong đó, giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính có 5 chi phí, gồm: Chi phí nhân công; chi phí hàng hóa; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; chi phí quản lý và các chi phí khác có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Về giá thành toàn bộ của dịch vụ khám chữa bệnh, hiện đang được quy định tính gồm 4 chi phí (chi phí nhân công; chi phí hàng hóa; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; chi phí quản lý). 

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thực tế hiện nay mới đưa được 2 chi phí vào giá, còn chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và chi phí quản lý đã có lộ trình để ‘tính đúng, tính đủ’.

“Giờ có thêm ‘chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh’, tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì? Bộ Tài chính ‘bậc thầy’ về giá phải xem chỗ này”, ông Vương Đình Huệ đề nghị. 

Chủ tịch Quốc hội nêu băn khoăn khi dự thảo quy định Bộ Y tế ‘quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước’.

“Chúng ta đang phấn đấu có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao để tránh chảy máu ngoại tệ”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, hàng năm đang ‘chảy máu’ ngoại tệ khi nhiều người dân sang Singapore, Nhật Bản khám chữa bệnh. Trong khi đó cơ sở Nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu. 

Do vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, quy định trên cần xác định theo hướng tính đúng, tính đủ, đồng thời Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ với các dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Theo đó, các dịch vụ khác theo yêu cầu, không quy định giá trần.

“Nhà nước lo cho người nghèo, thu nhập thấp. Người có khả năng chi trả thì thị trường quyết định. Cơ sở nào tốt, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng thì người ta vào. Chúng ta đang hình thành trung tâm khám chữa bệnh cao cấp. Bác sỹ mình giỏi, không kém người nước ngoài đâu!”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 4, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện, tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Bộ Y tế đã tập trung vào những nội dung chính liên quan đến việc hoàn thiện các quy định về việc kiểm soát, nâng cao chất lượng của người hành nghề, chất lượng của công tác khám, chữa bệnh và hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các điều kiện đảm bảo hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh như các vấn đề liên quan đến tự chủ, giá, xã hội hóa và các nội dung để đảm bảo các hoạt động khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới.