Tiền sử khỏe mạnh, nhiều người phát hiện ung thư phổi sau cơn đau ngực, ho khan

Người đàn ông 56 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, 2 tuần nay đau ngực phải, khó thở tăng dần khi gắng sức, kèm ho khan, sụt cân, chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn muộn.

Nam bệnh nhân chia sẻ ông ăn uống kém, sụt 2kg trong 2 tuần. Ông đi khám, chụp phim X-quang ngực có hình ảnh tràn dịch màng phổi phải.

Người đàn ông cao 1,65m nhưng chỉ nặng 54kg nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). 

Ông được chọc hút dịch màng phổi xét nghiệm cellblock. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư biểu mô tuyến phổi phải di căn hạch, màng phổi, xương đa ổ giai đoạn IV; xét nghiệm có đột biến gen EGFR trên exon 19.

Một trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn di căn xa cũng được phát hiện qua những triệu chứng nhỏ là bà H.V.T, 60 tuổi.  

Người phụ nữ này cũng có tiền sử khoẻ mạnh. Bà vào viện chỉ vì ho khan suốt 1 tuần, không có đờm nhưng khó thở khi gắng sức. Bà không đau ngực, không gầy sút cân.

Đi khám tại Bệnh viện Xây dựng (Hà Nội), bà T. được chụp cắt lớp vi tính ngực hình ảnh u phổi phải, tràn dịch màng phổi phải, chuyển Bệnh viện Bạch Mai.  

Bà được chọc dịch màng phổi tìm tế bào ung thư. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến di căn nguồn gốc phổi, có đột biến gene EGFR L858R trên exon 21.

Tiền sử khỏe mạnh, nhiều người phát hiện ung thư phổi sau cơn đau ngực, ho khan - 1

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. 

Trên thế giới, ung thư phổi là một trong những loại ung thư hay gặp nhất. Tình trạng này tương tự ở Việt Nam, đây là loại ung thư thuộc top đầu.

Theo Globocan năm 2020, thế giới có hơn 2,2 triệu người mới mắc ung thư phổi; gần 1,8 triệu người chết vì bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai cả về tỷ lệ mới mắc với gần 26.300 người và tỷ lệ tử vong với hơn 25.300 người.

Giáo sư chuyên ngành Ung bướu Mai Trọng Khoa cho hay theo mô bệnh học, ung thư phổi chia thành 2 nhóm, ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (khoảng 85%).

Triệu chứng dễ nhầm, ung thư phổi khó phát hiện 

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho hay việc chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi vẫn còn là một thách thức lớn đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân do hầu hết người mắc ung thư phổi giai đoạn đầu không triệu chứng điển hình. Điều này gây ra khó khăn trong nhận biết, dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp khác. 70% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn.

Qua nhiều nghiên cứu, ho biểu hiện ở 50-70% các trường hợp, hầu hết người bệnh không được điều trị khỏi bằng các biện pháp điều trị thông thường. Đôi khi ho đi kèm với khàn tiếng, khạc đờm nhuốm ít máu, tùy vào mức độ xâm lấn của khối u trong cơ thể.

Đây là triệu chứng rất không đặc hiệu, có thể xảy ra khi chúng ta cảm lạnh hay mắc cúm thông thường. Nhưng nếu bị ho kéo dài trong vòng vài tuần, đó là dấu hiệu cho thấy nên đi khám.

Đau ngực là triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn rất sớm hoặc cũng có thể khi khối u đã di căn đến thành ngực. Đau ngực do ung thư phổi có thể tăng lên khi bệnh nhân ho, cười hay hít thở sâu. Vì đau ngực cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng khác nên cần được kiểm tra.

Khó thở, khàn tiếng cũng là dấu hiệu cần lưu ý. Các vấn đề về hô hấp như thở khò khè cũng rất quan trọng và không nên bỏ qua.

90% có thể sống trên 5 năm nếu phát hiện ở giai đoạn 1, 2

Người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm 1, 2 thì tiên lượng tốt vì khi đó điều trị được triệt căn, tỷ lệ sống trên 5 năm ở giai đoạn 1 lên 70-90%, giai đoạn 2 từ 50-70%. Phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị và thời gian sống kéo dài tốt hơn rất nhiều.

Ở giai đoạn muộn (III, IV), theo PGS Phương, điều trị toàn thân là hướng chủ yếu, bao gồm: hóa chất, xạ trị triệu chứng, điều trị miễn dịch. Lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc thể trạng, giai đoạn bệnh và loại mô học cũng như các xét nghiệm đột biến gene của từng bệnh nhân.

Các chuyên gia bệnh lý ung thư Bệnh viện Bạch Mai cho biết ở những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, các thuốc điều trị nhắm trúng đích được nghiên cứu sâu và sử dụng nhiều hơn.

Trong đó đột biến gene thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô hay EGFR là một trong các đột biến hay gặp, đặc biệt ở người châu Á (chiếm khoảng 40% bệnh nhân ung thư phổi). Do đó, rất nhiều bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị và hiệu quả lớn hơn so với hoá trị đơn thuần trước kia. Như trường hợp nam bệnh nhân 56 tuổi trên đây, sau 3 tháng điều trị đích, ông ổn định, hết đau ngực, không khó thở, không xuất hiện các tác dụng phụ ảnh hưởng đến điều trị.

(Nguồn: Vietnamnet)