Số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng đột biến

Trong 5 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, hơn 400 ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ, pháo hoa, vũ khí và vật liệu nổ khác, tăng gần 50% so với Tết năm ngoái, 2 ca tử vong.

Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày mùng 4 Tết Quý Mão cho thấy số khám, cấp cứu do tai nạn pháo hoa, pháo nổ trong những ngày nghỉ Tết năm nay tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là loại hình tai nạn ghi nhận sự gia tăng rõ rệt nhất so với các loại hình khác như tai nạn giao thông, đánh nhau, sinh hoạt lao động...

Cụ thể, 377 ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ, pháo hoa trong 5 ngày nghỉ Tết (từ sáng 29 đến sáng mùng 4), tăng 52% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, 260 ca phải nhập viện, tăng 108% so với cùng kỳ.

Số ca tai nạn giảm dần, nếu từ sáng 30 đến sáng mùng 1 có 186 ca, 72 giờ tiếp theo có lần lượt 92 - 48 ca và 9 ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ các loại. 

Cũng theo Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết, 31 ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác (tăng 24%), 19 ca phải nhập viện, 2 ca tử vong.

Liên quan tai nạn giao thông, sau 5 ngày nghỉ Tết, hơn 22.300 ca khám, cấp cứu, tăng 10,1% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, gần 8.100 trường hợp phải nhập viện điều trị, 182 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về. Riêng từ sáng mùng 3 đến sáng mùng 4 có 3 ca tử vong.

Theo báo cáo này, 570 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa (tăng 20% so với cùng kỳ Tết năm trước). Bốn ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

Riêng từ sáng mùng 3 đến sáng mùng 4, có 117 ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. Trong đó, 59 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia, một ca do ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Về tai nạn do đánh nhau, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, trung bình mỗi ngày có 500 ca khám, cấp cứu. Cụ thể, sau 5 ngày, có 2.521 ca cấp cứu, 43% trong số đó (1.073 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 9 trường hợp tử vong.