Mắc bệnh gout có nổi u cục bất thường ở tay chân, vành tai... có nên lo lắng?

Nhiều bệnh nhân gout phát hiện các nốt, khối bất thường ở khớp chân, tay, vành tai, thậm chí ở dây thanh quản khiến giọng bị khàn nên rất lo lắng, "đòi" bác sĩ xét nghiệm, cắt bỏ...

Gout (gút) là bệnh rối loạn chuyển hoá hệ thống, đặc trưng do tăng axit uric trong máu, lắng đọng các tinh thể muối urat ở khớp và mô ngoài khớp. Những trường hợp bệnh không được kiểm soát hoặc kiểm soát kém sẽ tiến triển mạn tính, hình thành các hạt tophi (giả u).

TS Ngô Thị Minh Hạnh, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện 108 (Hà Nội), cho hay người dân thường biết đến bệnh gout với đặc trưng là những đợt sưng đau khớp ngón chân cái (70% người bệnh bị đau khớp dạng gout). Trong khi đó, nhiều trường hợp bệnh biểu hiện âm thầm, không sưng nóng đỏ các khớp và tiến triển chậm.

Đến khi xuất hiện các nốt, khối bất thường (hạt tophi), bệnh nhân lo lắng đi khám. Khối bất thường này có thể gặp ở các vị trí như ở mu chân, vùng gót chân, vùng gần khuỷu tay, sụn vành tai, thậm chí tổn thương ở dây thanh.

Hạt tophi ở sụn vành tai (trái) và ở dây thanh. Ảnh: BSCC

Khoa Giải phẫu bệnh (Bệnh viện 108) từng tiếp nhận nhiều người bệnh được chỉ định xét nghiệm hoặc mong muốn xét nghiệm các khối tổn thương bất thường nổi dưới da vùng quanh sụn khớp cổ chân, mắt cá chân,… thậm chí cắt bỏ “hạt tophi” ở dây thanh vì gây khàn tiếng.

Hạt tophi thực chất có biểu hiện là các nốt (giả u) do lắng đọng tinh thể urat ở mô dưới da, thường gặp ở những vị trí mô không có mạch máu như ở sụn tai, mỏm khuỷu, trước xương bánh chè…  

Chăm sóc bệnh nhân gout bị biến chứng. Ảnh: BV

Theo các bác sĩ Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), hạt tophi không chỉ làm mất thẩm mỹ mà khi không được xử lý đúng cách có thể khiến tophi bị vỡ, gây nhiễm trùng máu, lở loét, hoại tử khiến người bệnh phải nhập viện.

Cơ sở y tế này từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân gout vào viện vì sưng nóng đỏ đau nhiều khớp, nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng máu nặng do tự dùng thuốc chứa corticoid chữa hạt tophi bị vỡ.  

Điều trị gout theo TS Hạnh là nhằm giảm đau, ngừng bùng phát các đợt gout cấp và ngăn chặn các biến chứng. Kế hoạch điều trị có thể dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid để giảm đau và sưng.

Ngoài ra, cần uống nhiều nước, không uống rượu bia và đồ uống có đường; Cố gắng giảm stress vì stress có thể làm bùng phát gout cấp. Giảm cân nặng mức trung bình, giảm thức ăn giàu purine như thịt đỏ, phủ tạng, hải sản và hoạt động thể lực cũng là yêu cầu của thầy thuốc. 

Về việc chăm sóc hạt tophi tại nhà, thầy thuốc lưu ý bệnh nhân giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể; tránh va chạm, vận động mạnh gây vỡ hạt tophi; không tự ý dùng kim, vật sắc nhọn chọc vỡ hạt.

Khi hạt bị vỡ, cần rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý và đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Nếu những khối tophi lớn, gây ảnh hưởng chức năng vận động, biến chứng nặng, cần phẫu thuật cắt bỏ.

Sau Tết, nhiều bệnh nhân gout, rối loạn chuyển hóa phải đi khám

BSCKII Phí Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) ngày 2/2 cho hay sau Tết Nguyên đán, bệnh viện này tiếp nhận mỗi ngày gần 1.000 trường hợp đến khám các bệnh chủ yếu về tim mạch, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu, gout...

Đó là do kỳ nghỉ kéo dài, có sự xáo trộn trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, người bệnh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, ít chất xơ, uống nhiều rượu bia hay nước ngọt có ga… trong khi lại ít vận động, thức khuya.

Đây đều là những yếu tố "kích thích" sự bùng phát của các bệnh rối loạn chuyển hóa trong đó có gout. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân gout khi thấy triệu chứng thoái lui sẽ chủ quan, ăn uống "thả phanh", không duy trì điều trị, dự phòng các đợt gout cấp tấn công.