Hút gần 3 lít máu trong phổi người đàn ông bị đâm thấu ngực

Người đàn ông nhập viện với vết thương thấu ngực, các bác sĩ đã phải dẫn lưu gần 3 lít máu ra khỏi khoang màng phổi.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 44 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc mất máu do vết thương thấu ngực.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 22h30 ngày 3/2, trong lúc đang bán hàng, người bệnh bị đâm 3 nhát bằng vật sắc nhọn vào lưng. Anh được sơ cứu tại trung tâm y tế tuyến trước, được truyền dịch, băng vết thương. 

Bệnh nhân vào cấp cứu giờ thứ 2 sau tai nạn trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt, khó thở, mạch nhanh nhỏ. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy lồng ngực tràn khí - tràn dịch khoang màng phổi trái mức độ nhiều, tràn khí màng phổi phải. Các bác sĩ xác định đây là tình trạng nguy hiểm, có thể sốc không hồi phục nếu không được xử trí sớm.

Hình ảnh chụp cắt lớp vết thương thấu ngực của nam bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được kíp trực cấp cứu bù dịch, giảm đau, đặt dẫn lưu khoang màng phổi - dẫn lưu ra gần 2 lít máu không đông. 

Sau đó, người dàn ông này được chuyển ngay lên phòng mổ cấp cứu. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện màng phổi trái còn khoảng 800ml máu đông lẫn máu tươi, vết thương rách nhu mô thùy dưới phổi trái, máu đỏ tươi chảy ra tại động mạch gian sườn. 

Bệnh nhân được phẫu thuật mở màng phổi, khâu vết thương nhu mô phổi, rửa - dẫn lưu khoang màng phổi, hút liên tục. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch và được theo dõi hậu phẫu tại khoa hồi sức ngoại khoa.

Bác sĩ Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thông tin, sốc mất máu do vết thương thấu ngực phải được cấp cứu tối khẩn cấp và có tham gia kết hợp đa chuyên khoa, giữa cấp cứu, phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức.

Các bác sĩ vừa tiến hành hồi sức cấp cứu chống sốc, vừa phẫu thuật cầm máu giải quyết nguyên nhân mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong đến 31% trong vòng 2 giờ đầu mặc dù điều trị tại cấp cứu; tử vong 12% trong 2-24 giờ tiếp theo, 11% sau 24 giờ.