Dấu hiệu nhiễm biến chủng BA.5
Theo các chuyên gia, triệu chứng nhiễm biến chủng phụ BA.5 của Omicron tương tự cảm lạnh, thường gây sốt, ho, sổ mũi, đau họng.
WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Liệu dịch COVID-19 có bùng phát lớn sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5?
Thị xã Trảng Bàng: Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19
Test nhanh Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần
TP Hồ Chí Minh ghi nhận trường hợp đầu tiên tại thành phố nhiễm biến chủng BA.5 của Omicron là bé gái 11 tuổi ngụ huyện Củ Chi. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, test nhanh Covid-19 dương tính, được lấy mẫu giải trình tự gene virus. Tuần trước, Bộ Y tế lần đầu công bố biến chủng BA.5 xuất hiện ở Việt Nam. Biến chủng này xuất hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng 1, hiện trở thành chủng phổ biến tại một số quốc gia trên thế giới.
Theo phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, triệu chứng nhiễm biến chủng phụ BA.5 đa số vẫn giống các chủng Omicron trước đây, gồm nhức đầu, mệt mỏi, sốt, sổ mũi, đau họng. Omicron thường gây các triệu chứng ở đường hô hấp trên như mũi và họng, ít tấn công vào phổi hơn chủng Delta.
"Omicron có đặc điểm lây bệnh rất nhanh, phát triển ở cổ họng nhanh, có thể gây triệu chứng nhưng tải lượng virus vẫn chưa đủ để biểu hiện trên test nhanh, do đó nếu test âm tính thì nên đợi 1-2 ngày sau kiểm tra lại", phó giáo sư Dũng nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết triệu chứng của biến chủng phụ BA.5 tương tự cảm lạnh, tùy mỗi người có những biểu hiện khác nhau. Một số người nóng, ho, sổ mũi; có trường hợp chỉ ê ẩm, nhức mỏi.
"Gần đây, nhiều người ho, sổ mũi, sốt, đau nhức mình nhưng test nhanh âm tính Covid-19, có thể họ chỉ mắc cảm cúm thông thường bởi đang là mùa cảm cúm", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc, tạo ra làn sóng dịch nhưng làn sóng này sẽ nhỏ hơn những đợt dịch trước đây, số tử vong sẽ ít vì đa số người dân đã tiêm vaccine. Theo phó giáo sư Dũng, biến chủng này được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến chủng trước như BA.1, BA.2, do đó số ca mắc sẽ tăng.
Cùng quan điểm, bác sĩ Khanh cho rằng BA.5 có thể tạo ra làn sóng dịch nhẹ về số ca bệnh nhưng sẽ không ảnh hưởng số ca nhập viện, số ca tử vong. "Hầu hết các nước có BA.5 đi qua đều công nhận số ca nhập viện và tử vong thấp hơn BA.2", bác sĩ Khanh nói.
Về độc lực và độ gây bệnh nặng, đến nay chưa có bằng chứng khẳng định BA.5 cao hơn. Một số nơi ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân nhiễm BA.5 nhập viện cao, song biến chủng cũ xuất hiện lúc đa số người dân vừa tiêm vaccine, miễn dịch còn cao, trong khi hiện nay miễn dịch đã suy giảm nên chưa thể so sánh được. "Chu kỳ 4-5 tháng sẽ có một đợt dịch mới vì kháng thể giảm, lại thường trùng với thời điểm có biến chủng mới, dù là biến chủng phụ nhưng nó vẫn là nguy cơ", ông Dũng nói.
Tương ứng với sự xuất hiện biến chủng mới, hệ thống giám sát dịch của TP Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ gần đây, theo Sở Y tế thành phố. Có ngày thành phố ghi nhận trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới mỗi ngày), song số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.
Tương tự như các biến chủng Omicron trước đây, BA.5 có khả năng né tránh vaccine một phần. Điều này có nghĩa, một số người tiêm ngừa rồi vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, cơ thể vẫn tạo được miễn dịch sau tiêm vaccine, bảo vệ giảm nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong, theo phó giáo sư Dũng. Người dân nên đi chủng ngừa khi có chỉ định, đặc biệt người lớn tuổi, có bệnh nền cần tiêm mũi 4.
Trước thực tế nhiều người nghĩ nếu đã nhiễm biến chủng Omicron sẽ có miễn dịch tốt, không cần tiêm mũi 4. Ông Dũng cho rằng điều này không đúng. Các nghiên cứu cho thấy khi nhiễm Omicron BA.1, nếu chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Nếu nhiễm BA.1 sau khi đã tiêm chủng, kháng thể sẽ bảo vệ chống lại chính BA.1 tốt nhưng chống lại BA.4 và BA.5 rất kém. Do đó, cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 để đối phó với làn sóng dịch BA.5.
"Một số người cũng cho rằng tiêm ba mũi là đủ, không cần thiết thêm mũi 4. Thực ra, ba mũi đã bảo vệ khá tốt, nhưng nếu tiêm bốn mũi sẽ càng tốt hơn, giảm thêm số người bệnh nặng và tử vong", ông Dũng nói. Dù biến chủng mới đa số mọi người bệnh nhẹ nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định bệnh nặng và không tránh khỏi một số người bị hậu Covid-19.
Các thuốc kháng virus hiện nay vẫn còn được chứng minh hiệu quả với các biến chủng của Covid-19. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người thuộc nhóm nguy cơ cần phát hiện sớm các triệu chứng để dùng thuốc kịp thời. Bên cạnh vũ khí vaccine, người dân nên duy trì đeo khẩu trang, khử khuẩn tay.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vaccine nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại, trong bối cảnh biến chủng BA.5 xuất hiện tại Việt Nam. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại tại nhiều nơi trên toàn thế giới do biến chủng BA.5 lây lan mạnh mẽ. Theo WHO, 4 khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng nhiều nhất là Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, châu Âu và châu Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh hoạt động chống dịch bằng các biện pháp chủ động như tiêm vaccine, xét nghiệm tại nhà... để ngăn chặn đợt bùng phát mới.
Theo VnExpress