Đạo đức, lối sống - Yếu tố quan trọng tạo nên một vận động viên thành công

Để được đánh giá là thành công, một vận động viên phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó đạo đức, lối sống là vô cùng quan trọng, nhất là đối với các vận động viên trẻ, mới chập chững trên con đường thể thao chuyên nghiệp.

Tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương, bên cạnh luyện tập thể thao, các vận động viên luôn được quan tâm rèn giũa đạo đức, lối sống

Tài phải kèm với đức Trong một giải bóng đá U10 tại TP Hải Dương gần đây, sau khi kết thúc trận đấu, một số cầu thủ của đội thắng đã chạy lại phía khán đài giật băng rôn của cổ động viên đội thua và vứt xuống sàn. Hành động này khiến rất nhiều cổ động viên tỏ ra bất ngờ. Ngay lập tức, huấn luyện viên đội bóng giành chiến thắng đã chấn chỉnh vận động viên (VĐV). Hành vi này không đến từ sự chỉ đạo của huấn luyện viên, nó bắt nguồn từ sự phấn khích của các cầu thủ nhi đồng sau khi chiến thắng, song nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ hình thành hành động, thói quen xấu xí của VĐV nếu các em theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Với tổng số chỉ tiêu được giao năm 2022 là 543 VĐV, ngoài đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thể thao, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương cũng như các trường học nơi có VĐV theo học đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho VĐV. Với đặc thù hầu hết VĐV được tuyển chọn từ bé, ăn ở tự lập xa gia đình, các em lại đang trong giai đoạn hình thành nhân cách nên nếu không quan tâm giáo dục, VĐV trẻ rất dễ sa đà vào những việc không hay, để lại điều tiếng xấu, thậm chí sa vào tệ nạn xã hội. Do đó, ngoài kiểm soát chặt chẽ quá trình luyện tập, các VĐV đều được theo sát trong suốt quá trình ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá. Theo lãnh đạo Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương, để rèn luyện đạo đức, lối sống cho VĐV, đơn vị có phòng quản lý riêng. Do giám sát chặt chẽ và chấn chỉnh kịp thời khi các em có biểu hiện chưa tốt nên từ trước đến nay tại đơn vị không có những sự việc đáng tiếc liên quan đến đạo đức, lối sống của VĐV. Huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền Phạm Đức Dũng cho biết, tỉnh hiện có 36 VĐV thuộc 3 tuyến: đội tuyển, đội tuyển trẻ và năng khiếu. Đa số các em đều trẻ tuổi, ít va chạm và từ quê lên ăn ở tập trung. Toàn bộ VĐV 3 đội tuyển đều là nữ. Việc giám sát, quản lý VĐV được ban huấn luyện thường xuyên quan tâm, huấn luyện chuyên môn song song với giáo dục đạo đức, tư tưởng. "Ở lứa tuổi các em không khó uốn nắn nhưng cũng rất dễ sa đà. Chỉ có quản lý chặt chẽ mới giúp các em nuôi ước mơ trở thành VĐV chuyên nghiệp có lối sống, đạo đức tốt", huấn luyện viên Phạm Đức Dũng cho biết. Quan tâm giáo dục văn hóa Tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương hiện có rất nhiều VĐV trong độ tuổi học sinh, ở cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT. Các VĐV đang theo học tại một số trường như Ngọc Châu, Trần Hưng Đạo, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Dương. Thầy giáo Phạm Văn Minh, Chủ nhiệm Khoa Văn hóa cơ bản Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Dương cho biết tại trường hiện có 3 khối 10, 11 và 12, với tổng số khoảng 100 học sinh là VĐV. Toàn bộ các em chỉ học văn hóa buổi tối nên rất vất vả, do ngoài thời gian này các em phải tập luyện thể thao tại trung tâm. "Thời gian học văn hóa của các VĐV không nhiều như các học sinh khác. Học xong tại trường thì đã khuya, không nhiều thời gian ôn bài, song các em đều có ý thức kỷ luật tốt. Chúng tôi cũng luôn nhắc nhở các em muốn trở thành VĐV toàn diện thì yếu tố văn hóa, đạo đức phải đặt lên ngang bằng với thành tích thể thao", thầy giáo Phạm Văn Minh nói. Tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương, nhiều huấn luyện viên thường đưa tấm gương về đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật và tài năng của các cầu thủ bóng đá Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai ra để giáo dục học trò. Trong số các cầu thủ của đội bóng này có nhiều người của Hải Dương như Văn Toàn, Văn Thanh... Các cầu thủ tại đây chưa từng vướng các lùm xùm về phát ngôn, đời tư... nên được rất nhiều cổ động viên yêu mến. Trái lại, có những VĐV tài năng nhưng đạo đức, lối sống không chuẩn mực đã bị xử lý. Điển hình như trường hợp 2 kiếm thủ V.T.A. và V.Q. bị loại khỏi đội tuyển quốc gia Việt Nam do xảy ra xô xát trong giờ tập vừa qua. "Nguyễn Công Phương, tiền đạo tài năng và là đội trưởng của U17 Việt Nam hiện nay từng có nhiều năm ăn ở tập trung tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương từ khi 10 tuổi. Tại đây các VĐV được ban huấn luyện chú trọng giáo dục đạo đức cầu thủ, cùng với rèn kỹ năng chơi bóng. Vì vậy Nguyễn Công Phương hiện nay đã khá nổi tiếng và có thể trở thành một tài năng của bóng đá Việt Nam song em luôn lễ phép, nhã nhặn", huấn luyện viên Trần Hữu Hùng của U11 Gia Bảo Hải Dương cho biết. Còn theo huấn luyện viên U17 Viettel Nguyễn Minh Dũng, Nguyễn Công Phương là một trong nhiều VĐV được rèn giũa từ gốc, không chỉ về chuyên môn mà cả về lối sống. Hiện tại ở U17 Viettel, em luôn thể hiện là VĐV chăm chỉ, ngoan ngoãn. "Một VĐV tài năng phải xét cả trên khía cạnh đạo đức chứ không chỉ căn cứ vào thành tích. Việc giáo dục đạo đức cho VĐV là cực kỳ quan trọng, đúng theo mô hình đào tạo của các nước có nền thể thao phát triển. Nếu có tài mà thiếu đức thì không thể là một VĐV tốt và ngược lại", huấn luyện viên Nguyễn Minh Dũng khẳng định.

TIẾN HUY