Phát hiện lỗ đen phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm

Theo Tân Hoa Xã, các nhà thiên văn học Australia đã phát hiện ra thứ mà họ tin là lỗ đen phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm qua, ước tính tiêu thụ một lượng vật chất tương đương với một Trái Đất mỗi giây.
Hình ảnh khu vực "lỗ đen" (nguồn sáng màu xanh da trời) thu được nhờ kính thiên văn SkyMapper Southern Sky Survey. Ảnh: Christopher Onken Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính thiên văn SkyMapper Southern Sky Survey tại Đài quan sát Siding Spring ở phía bắc bang New South Wales, Australia để phát hiện "lỗ đen" này. Trưởng nhóm nghiên cứu Christopher Onken tại Đại học Quốc gia Australia mô tả phát hiện mới nhất của họ, được đặt tên là J1144, như một "cây kim rất lớn trong đống cỏ khô". Onken cho biết J1144 sáng hơn tất cả ánh sáng từ dải ngân hà khoảng 7.000 lần và có khối lượng bằng 3 tỷ Mặt Trời, khiến thậm chí những nhà quan sát "sân sau" cũng có thể thấy sự hiện diện của nó. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao nó không được biết đến trong một thời gian dài như vậy. “Các nhà thiên văn đã săn lùng những vật thể như thế này trong hơn 50 năm. Họ đã tìm thấy hàng nghìn cái mờ hơn, nhưng chuẩn tinh sáng đáng kinh ngạc này đã bị bỏ qua", Onken trả lời Tân Hoa Xã ngày 15.6 và cho rằng có một "khoảng trống nhỏ" trong bầu trời đêm mà trước đó chưa được nghiên cứu đầy đủ. "Trước đây, mọi người thường tránh nhìn rất gần mặt phẳng của dải ngân hà vì có rất nhiều ngôi sao và nhiều chất gây ô nhiễm đến nỗi rất khó tìm thấy bất cứ thứ gì ở xa hơn", tờ Guardian dẫn lời Onken. Onken cho biết các nhà thiên văn học đã biết khoảng 9.000 lỗ đen, 80 trong số đó do nhóm của ông phát hiện ra. "Chúng tôi rất hứng thú với lỗ đen này, nó không giống như những cái mà chúng tôi đã tìm thấy. Bây giờ chúng tôi muốn biết tại sao cái này lại khác - có phải điều gì đó thảm khốc đã xảy ra không? Có lẽ hai thiên hà lớn đã đâm vào nhau, cuốn cả đống vật chất vào lỗ đen để nuôi nó", ông nói. Báo cáo của nhóm về J1144 đã được xuất bản trên trang web arXiv.org. THANH BÌNH