Những điểm chưa thỏa đáng trong vụ nam sinh bị 0 điểm vì ngủ quên
Ngày 3/8, khi đọc tin về việc em H.N.T. ở Cà Mau bị điểm 0 môn Tiếng Anh do ngủ quên trong phòng thi, thầy Huỳnh Thanh Phú tiếc nuối vì em này không may mắn khi gặp phải những cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm coi thi.
Ông cũng bày tỏ sự bức xúc, bất bình trước lời giải thích của ông Phạm Việt Hưng, Trưởng điểm thi trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau), và ông Tạ Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau. Thầy hiệu trưởng nói rằng cách trả lời này là vô trách nhiệm.
“Chúng ta không nên dựa vào quy chế để chống chế, thoái thác trách nhiệm của mình. Trả lời như vậy là đang bao biện và chưa thấy cái lý, cái tình", thầy Phú nhấn mạnh.
Nhiều điểm thiếu thuyết phục
Phân tích lời giải thích của ông Phạm Việt Hưng và ông Tạ Thanh Vũ, thầy Huỳnh Thanh Phú nhận thấy những lời này còn nhiều điểm chưa thỏa đáng, cần phải làm rõ.
Thứ nhất, ông Phạm Việt Hưng nói rằng theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, vào phòng thi, giám thị chỉ có thể nhắc nhở chung, không thể nhắc riêng một thí sinh. Thầy Phú xác nhận trách nhiệm của cán bộ coi thi và lãnh đạo điểm thi là phải đảm bảo kỳ thi công bằng và đúng quy chế. Nhưng nếu nói rằng giám thị không thể nhắc riêng một thí sinh là hoàn toàn không đúng.
Theo quy định, cán bộ coi thi không được phép gọi tên thí sinh, nhưng cán bộ hoàn toàn được phép gọi, đồng thời nhắc nhở thí sinh bằng số báo danh.
Thứ hai, ông Tạ Thanh Vũ nói việc thí sinh gục xuống bàn đến 40 phút hay bao lâu không thể xác định được thời gian chính xác và theo quy chế, giám thị không được tiếp xúc gần thí sinh. Lời giải thích này không hề thuyết phục.
Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đặt vấn đề nếu giám thị không được tiếp xúc gần thí sinh, vậy trong trường hợp thí sinh bị ốm, ngất xỉu, đột quỵ, phải làm thế nào.
Những tình huống thế này được xếp vào tình huống đặc biệt, cán bộ phòng thi phải có trách nhiệm xử lý. Nếu nhận thấy vấn đề này không thể xử lý hoặc không thuộc quyền hạn của mình, cán bộ phải báo cho giám thị hành lang để trình lên trưởng điểm thi và đưa ra hướng xử lý thích hợp.
Em H.N.T. bị điểm 0 môn tiếng Anh do ngủ quên trong phòng thi.
Ông Huỳnh Thanh Phú cũng đưa ra hai trường hợp giả định cho việc thí sinh gục xuống bàn. Trường hợp thứ nhất, thí sinh gục xuống bàn để gian lận, nghe lén bằng các thiết bị công nghệ cao. Trường hợp thứ hai, thí sinh bị ốm hoặc không may đột quỵ trong phòng thi.
Là người có trách nhiệm, cán bộ coi thi phải phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, tình trạng gian lận thi cử sẽ được ngăn chặn. Còn nếu rơi vào trường hợp thứ hai, thí sinh đó sẽ được cứu chữa kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
“Tôi thấy lạ lùng vì trưởng điểm thi nói phòng thi này có nhiều em gục xuống bàn. Nếu phòng thi này có trường hợp như vậy, giám thị vẫn làm lơ là không đúng. Cách trả lời này không ổn", thầy Phú bức xúc.
Chung quan điểm với thầy Huỳnh Thanh Phú, cô Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nói rằng giám thị phải có trách nhiệm bao quát, nhắc nhở và động viên thí sinh để thí sinh hoàn thành bài thi tốt nhất!
Cô nhận xét cách làm của cán bộ điểm thi tại trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển quá cứng nhắc và thiếu trách nhiệm. Thí sinh ngủ lâu là bất thường, giám thị phải có trách nhiệm nhắc nhở chứ không phải nói thí sinh ngủ là xong.
"Kỷ luật phải đi kèm với tình thương và trách nhiệm. Xét về lý có thể họ không sai nhưng rõ ràng, cán bộ chưa hoàn thành và thực hiện tốt trách nhiệm của mình với thí sinh", cô Thảo nói.
Là người có nhiều kinh nghiệm làm cán bộ coi thi, cô Huyền Thảo không ít lần bắt gặp thí sinh ngủ gục trong giờ làm bài vì quá mệt. Với những trường hợp này, cô thường kiểm tra xem thí sinh đó đã ngủ lâu chưa. Trước 15 phút hết giờ làm bài, cô giáo sẽ đánh thức thí sinh và nhắc nhở em đó làm hết bài, cần kiểm tra kỹ phần đáp án đã làm.
Tương tự, cô Trần Minh Tú, giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM, nói rằng với những trường hợp bất thường trong phòng thi, giám thị có trách nhiệm kiểm tra và báo lại cho giám thị hành lang để xử lý. Khi trông thi, cô cũng thường xuyên nhắc nhở thí sinh phải điền hết câu trả lời vào phiếu thi, tránh để sai sót đáng tiếc. Điều này vừa là trách nhiệm, vừa là cái tâm của người làm nghề giáo.
Không thể khẳng định giám thị không làm sai quy chế
Trao đổi với Zing, TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho biết hiện nay, việc tổ chức thi, coi thi được thực hiện theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT.
Theo quy định, cán bộ coi thi có nhiều nhiệm vụ, bao gồm, khi thí sinh bắt đầu làm bài, cán bộ coi thi thứ nhất đối chiếu ảnh trong thẻ dự thi và danh sách ảnh với thí sinh để nhận diện thí sinh, ghi rõ họ tên và ký vào các tờ giấy thi, giấy nháp của thí sinh.
Cán bộ coi thi thứ hai bao quát chung. Trong giờ làm bài, một cán bộ bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, cán bộ còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi.
Cán bộ coi thi không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ được trả lời công khai tại phòng thi các câu hỏi của thí sinh trong phạm vi quy định.
Đặc biệt, quy chế nêu rõ: "Trước khi hết giờ làm bài 15 phút (đối với bài thi độc lập và đối với mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp), cán bộ coi thi thông báo thời gian còn lại cho thí sinh biết".
TS.LS Cường nhận định trong vụ việc trên, thông tin ban đầu cho thấy bước vào phòng thi, thí sinh thực hiện theo đúng quy định, đủ điều kiện làm bài, đã đọc đề, làm bài ra nháp, sau đó gục xuống và ngủ quên đến khi hết giờ.
Theo quy chế nêu trên, các giám thị phòng thi phải nắm được tình hình, với những thí sinh ngủ gục, giám thị cần kiểm tra, theo dõi xem em này buồn ngủ hay bị ốm. Nếu là ốm, ngất xỉu, đột quỵ, cán bộ phải gọi y tế cấp cứu.
Trường hợp thí sinh ngủ, theo quy chế, 15 phút trước khi hết giờ, cán bộ coi thi phải nhắc nhở thí sinh về giờ thu bài. Nếu thí sinh ngủ, giám thị coi thi không thông báo thời gian nêu trên, đồng nghĩa với việc giám thị đã vi phạm quy chế thi, khiến thí sinh không có thời gian làm, soát bài, dẫn tới bị điểm 0.
TS.LS Cường nhận định với mỗi kỳ thi, thời gian một phút, thậm chí vài giây cũng quý, cũng quan trọng đối với các thí sinh. Với trường hợp nêu trên, em H.N.T. hoàn toàn có thể đạt điểm trung bình trở lên nếu làm bài trên giấy thi.
Thời gian đọc đề, suy nghĩ, viết ra nháp có thể mất nhiều thời gian. Nhưng để điền từ nháp vào giấy thi, thí sinh chỉ cần khoảng 10 phút.
Nếu thí sinh đã đọc hết đề thi, có khả năng làm bài, đã viết ra nháp rồi, 10 phút để hoàn thiện bài thi rất quan trọng, là thời gian quyết định. Chính vì vậy, quy chế thi đã quy định giám thị giám thị coi thi phải nhắc thí sinh trước 15 phút tính đến thời điểm hết giờ.
“Trong tình huống này, cơ quan chức năng cần làm rõ việc giám thị coi thi có nhắc nhở thí sinh trước khi hết giờ làm bài 15 phút hay không”, TS.LS Cường đặt vấn đề.
Theo ông Cường, trong trường hợp giám thị coi thi đã nhắc nhở thời gian trước 15 phút, em học sinh này tỉnh dậy, đã biết nhưng vẫn tiếp tục ngủ, không làm bài thì có thể giám thị không có lỗi.
Ngược lại, nếu giám thị không nhắc nhở trước 15 phút khi thu bài thi, đó là vi phạm quy chế và là một hành vi vô cảm, ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy giám thị đã vi phạm quy chế coi thi, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, giám thị coi thi sẽ bị đình chỉ công tác coi thi, xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng quan điểm, trước vụ việc này, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Cán bộ coi thi và lãnh đạo điểm thi phải làm việc bằng cái tâm, hợp lý hợp tình và không được bỏ sót thí sinh.
Với trường hợp của em H.N.T., cán bộ tại nơi em này thi tốt nghiệp đã khiến em ấy đánh mất cơ hội được tốt nghiệp trong năm nay. Có thể năm sau, em sẽ được thi lại, nhưng một năm đối với thí sinh 18 tuổi là một khoảng thời gian quan trọng. Việc ôn thi lại sẽ khiến em mất nhiều thời gian, tiền bạc, đồng thời ảnh hưởng danh dự, sức khỏe tâm lý của em.
Thông qua việc này, thầy Huỳnh Thanh Phú nhắc nhở tất cả học sinh không nên học nhồi nhét, tránh học dồn để gây mất sức. Học tập không khoa học sẽ gây ra hệ lụy lớn và ảnh hưởng đến kết quả học tập, thi cử.
Trường hợp của em T. là không thể tổ chức thi lại trong năm nay, cô Huyền Thảo đưa ra gợi ý, nếu em T. có chứng chỉ tiếng Anh, bộ hoặc sở có thể xem xét sử dụng chứng chỉ này để xét công nhận tốt nghiệp.
Nguồn zingnews