Đăng ký xét tuyển đại học sao cho đúng và trúng?

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chia sẻ với các thí sinh trong một cuộc hội thảo về cách đăng ký xét tuyển đại học.

Năm nay, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.

Tôi có một lưu ý đối với thí sinh là các em phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của các em. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để bảo đảm không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn cho thí sinh tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn cho thí sinh tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức

Hiện nay các thí sinh đã biết mình đủ điều kiện trúng tuyển bằng nhiều phương phức khác nhau nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển. Trường hợp thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống thì các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị, do vậy các em cần cân nhắc kỹ khi đăng ký xét tuyển.

Với quy định chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất, nếu thí sinh thật sự yêu thích ngành nào, trường nào đó mà đã đủ điều kiện trúng tuyển (khi đã xét tuyển sớm) thì nên đặt nguyện vọng 1. Tôi lưu ý, đó phải là ngành các em đam mê thực sự.

Trường hợp các em còn băn khoăn thì có thể đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác cho phép, nhất là bằng điểm thi tốt nghiệp THPT theo thứ tự ưu tiên ngành mình yêu thích, phù hợp với năng lực của mình, đồng thời phải đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm xuống bên dưới. Khi đó, nếu không trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT chẳng hạn thì vẫn bảo đảm việc thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác đã đủ điều kiện.

Theo quy định, thí sinh phải được bảo đảm nguyên tắc công bằng về cơ hội dự tuyển, cơ hội trúng tuyển. Các em được quyền xác định nguyện vọng nào là nguyện vọng ưu tiên trong số các chương trình đào tạo mà các em đã đủ điều kiện trúng tuyển.

Các cơ sở đào tạo khi tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển thì không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn so với lịch trình theo kế hoạch chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo không được yêu cầu hay thỏa thuận với thí sinh để bắt buộc các em phải cam kết, hay xác nhận nhập học sớm dù dưới bất kỳ hình thức nào, cho dù là nộp kinh phí giữ chỗ, hay thu giữ những hồ sơ gốc của các em đều là không đúng so với quy định. Vì vậy, việc các trường đưa ra yêu cầu bắt buộc nhập học sớm đối với thí sinh trúng tuyển sớm là vi phạm Quy chế tuyển sinh năm 2022.

Theo Người lao động