Sự cố nhớ đời lần đầu đi chợ Viềng và người đàn bà tốt bụng

Lần đầu tiên đi chơi xa, gặp tình cảnh này, mấy đứa con gái sợ hãi mếu máo. Mấy đứa con trai thì loay hoay không biết tính sao.

Nói đến chợ Viềng Vụ Bản, ai quê Nam Định cũng biết vì chợ có nhiều điều đặc biệt. Thứ nhất chợ gần với quần thể Phủ Dầy (phủ mẫu thờ một trong Tứ bất tử của nước ta). Thứ hai chợ chỉ họp một lần trong năm. Phiên chính là ngày mùng 8 tháng Giêng. Nhưng ngày mùng 7 chợ đã rất tấp nập. 

Mọi người tùy theo quỹ thời gian của mình để đi chợ, có thể đi vào ngày mùng 7, hay đúng ngày mùng 8. 

Tuy nhiên, nếu đi theo đúng bài bản và vui nhất phải là từ tối mùng 7, vào phủ Dầy, đi lễ lần lượt từ phủ Công đồng, đến phủ Chính, phủ Tiên Hương... rồi mới ra chợ mua sắm. 

Mấy năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chợ không họp. Năm nay phiên chợ trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật nên đông vô cùng. Mới sáng mùng 7, trên các con đường từ đường 10, đường 21 đến phủ và chợ xe máy, ô tô từ các tỉnh nối đuôi nhau thành đoàn dài, nhiều đoạn còn bị tắc đường. 

Ảnh minh họa: Nhật Sinh

Bao nhiêu năm tôi đi làm ăn xa, lần này về thăm quê, tôi mới có dịp được đi chợ Viềng. Tôi nhớ lại lần đầu tiên đi chợ này là khi đang học lớp 12. 

Hôm đó, tôi rủ các bạn trong lớp đi chợ để cầu may. Được mọi người đồng tình, nhóm chúng tôi nghỉ 2 tiết học, đạp xe gần 20 cây số đến chợ. 

Thời bấy giờ quần áo may không có túi nên chúng tôi dồn hết tiền vào một cái cặp, đưa cho bạn cao to nhất ôm giữ còn tất cả đi xung quanh để khỏi bị lạc. 

Sau đó vì chợ quá đông, mọi người chen nhau, bọn tôi bị tách ra, mỗi đứa mỗi nơi. Đến khi tụ họp được, cả nhóm sà vào hàng mía và táo để ăn. Ăn xong, chúng tôi mở cặp lấy tiền trả thì ôi thôi, chiếc cặp bị mọi người chen lấn, xô đẩy nhiều nên đã bung khóa từ lúc nào. Sách vở và tiền rơi mất gần hết, chỉ còn lại vài đồng, không đủ trả tiền mía và táo. 

Lần đầu tiên đi chơi xa, gặp tình cảnh này, mấy đứa con gái sợ hãi mếu máo. Mấy đứa con trai thì loay hoay không biết tính sao. Bà bán hàng biết sự tình nên không lấy tiền, còn cho lũ học trò một ít mía và táo để đi về ăn dọc đường cho khỏi đói. Chúng tôi xin và cảm ơn bà rồi dắt díu nhau về. Đến nửa chiều chúng tôi mới tới nhà, vừa đói vừa mệt.

Sáng hôm sau, vừa vào tiết đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu những bạn bỏ tiết viết kiểm điểm, chỉ rõ ai là người tổ chức cho mọi người bỏ học đi chơi. Nhà trường sẽ có hình thức xử lý thích đáng…

Ảnh minh họa: Nhật Sinh

Chúng tôi ngồi viết kiểm điểm, thành thật nhận lỗi, xin nhận mọi hình thức kỷ luật của nhà trường. Riêng tôi và các bạn cán bộ lớp tham gia chuyến đi còn phải tường trình lại toàn bộ sự việc.

Cô giáo xem xong các bản tường trình và kiểm điểm thì nghiêm khắc phê bình chúng tôi trước lớp. Sau đó cô buồn rầu nói: “Các em làm cô thất vọng quá. Cô không nghĩ một lớp đạt danh hiệu Tập thể tiên tiến xuất sắc mà lại có những bạn tự ý bỏ học đi chơi như vậy. Các em có biết việc này gây ra những ảnh hưởng xấu tới các học sinh, các lớp khác trong trường như nào không? Tuy các em đi chơi, về đến nhà an toàn, không xảy ra chuyện gì đáng tiếc nhưng chắc chắn nhà trường sẽ xử lý nghiêm”.

Qua lời cô giáo, chúng tôi đã hiểu ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Mấy đứa vô cùng lo lắng. Rồi sau đó, không rõ cô đã trình bày với Ban giám hiệu như thế nào mà chúng tôi được nhận hình thức kỷ luật treo: Giữ lại danh hiệu thi đua Học kỳ I. Đến cuối năm học, nếu chúng tôi thực hiện tốt nền nếp và học tập nhà trường mới xem xét lại.

Nghe cô giáo thông báo vậy, chúng tôi buồn nhưng biết đó là hình thức kỷ luật nhẹ nhất rồi. Để chuộc lại lỗi lầm, chúng tôi bảo nhau tập trung học tập, rèn luyện thật tốt.

Cuối năm học, lớp tôi đỗ tốt nghiệp với kết quả rất cao. Nhiều bạn đỗ vào những trường đại học hàng đầu như Đại học Y, Dược, Xây dựng, Bách khoa... Sau này ra trường mỗi đứa mỗi phương. Không biết sau đó các bạn có lần nào đi chợ Viềng đầu năm nữa? Có gặp lại bà bán mía tốt bụng đó hay không? 

Độc giả: Hoàng Anh