Nỗi buồn của người cả đời vọng chồng nơi chung cư cũ

Từ cô gái nghèo, bà trở thành vợ ông bộ trưởng. Nhưng thời cuộc đổi thay, tình duyên không trọn, bà đành vò võ một mình vọng chồng nơi chung cư cũ nhất Sài thành.
Mặt trước chung cư Tôn Thất Đạm, một trong những chung cư cũ nhất của TP.HCM.

Truân chuyên

Có tuổi đời hơn một thế kỷ, chung cư Tôn Thất Đạm già nua, xỉn màu giữa những tòa cao ốc hiện đại, khang trang của Quận 1, TP.HCM. Hiện nay, cư dân của khu chung cư được xây dựng từ những năm 1886 này đã chuyển đi gần hết.

Những căn hộ ngày nào giờ trở thành quán cà phê cổ kính, quầy bar độc đáo... Lẫn trong những quán xá tái hiện không gian Sài Gòn xưa đầy màu sắc ấy là căn phòng nhỏ, giản đơn của cô Ba Kia, người nổi tiếng bậc nhất khu chung cư cổ.

Cô Ba Kia tên thật là Nguyễn Thị Kia (SN 1928). Tại đây, bà được biết đến với những giai thoại: “Vợ ông bộ trưởng chế độ cũ”, “hột xoàn đầy nóc nhà”, “tiền đô nhét đầy tường gạch”, "đong kim cương bằng lon sữa"…

Nhìn từ khung cửa sổ cũ kỹ của chung cư, khách thăm quan có thể thấy những tòa cao ốc hiện đại lân cận.

Tuy vậy, trong căn phòng hẹp, được bài trí giản đơn, cô Ba Kia bác bỏ hầu hết những giai thoại về mình. Chỉ đến khi được hỏi về mối tình với ông bộ trưởng chế độ cũ, bà mới có chút suy tư rồi nói: “Đó là chuyện có thật”.

Thời son trẻ, cô Ba Kia nổi tiếng xinh đẹp và là nữ sinh trường Gia Long. Giỏi tiếng Pháp nên học xong, cô Ba Kia đi làm cho công ty của người Pháp.

Dẫu vậy, bà chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành vợ của người có quyền cao chức trọng. Thế nhưng duyên phận đã sắp đặt cho bà gặp ông, yêu ông để rồi cả một đời nhớ nhung, không trọn vẹn hạnh phúc.

Cô Ba Kia là một trong những người xưa cũ của chung cư Tôn Thất Đạm.

Bà gặp ông bộ trưởng lần đầu khi cùng người nhà đến cơ quan của ông làm giấy tờ. Lần ấy, bà chưa có ấn tượng gì với ông bởi “ông không hề đẹp trai hay có sức quyến rũ”.

Trong khi đó, ông bộ trưởng lại mê đắm cô gái nhỏ xinh, tính cách dịu dàng nhưng đầy hiện đại. Bà kể: “Sau đó, chúng tôi lại gặp nhau khi tôi đang làm ở một công ty của Pháp. Ông ấy thương tôi vì thấy tôi giỏi nhưng nghèo quá.

Lúc đó, tôi cũng chưa thương ông. Nhưng sau này, tôi thấy ông lịch thiệp và rất tốt bụng. Ông ấy thương tôi lắm, lo cho tôi và gia đình từng chút một nên tôi dần có tình cảm”.

Khi mới yêu, bà không hề biết ông bộ trưởng đã có vợ ở quê. Bà yêu ông bằng tình yêu đầu tiên, trong trẻo của người con gái mới lớn. Cho đến lúc tình cảm sâu đậm, bà mới được ông thú thực việc đã lập gia đình.

Thời son trẻ, cô Ba Kia nổi tiếng xinh đẹp, giỏi tiếng Pháp.

Một đời vọng chồng

Dẫu vậy, lúc này tình yêu của cả hai đã quá lớn. Bà thương ông đến độ không thể nói lời chia tay. Bà không đòi hỏi gì từ ông và chấp nhận phận làm lẽ. Ông cũng thương bà và thật lòng bù đắp sự thiệt thòi ấy.

Làm lẽ nhưng bà chưa từng bị bà cả đánh ghen hay bị người đời xem rẻ. Ngược lại, bà được chồng và gia đình chồng yêu thương hết mực. Cả hai có với nhau 2 người con chung.

Nhưng hạnh phúc ấy lại sớm lụi tàn. Khi miền Nam giải phóng, chồng bà đi cải tạo rồi vượt biên sang Pháp. Ngày ông đi, bà và con không hề hay biết. Sau khi ổn định ở xứ người, ông mới viết thư về thăm bà, nói rõ việc mình phải xuất ngoại.

Căn phòng bài trí giản đơn của cô Ba Kia.

Kèm theo những lá thư thăm hỏi, ông gửi cho bà tiền để chăm lo cuộc sống, nuôi con. “Lúc biết ông ấy đã đi nước ngoài, tôi đau lòng lắm, đêm nằm cứ khóc hoài. Nhưng tôi không giận ông. Tôi chỉ trách số phận mình truân chuyên, lận đận”, bà nói.

Chồng đi biệt xứ, không hẹn ngày về, cô Ba Kia lủi thủi một mình nuôi con. Bà lao vào công việc để quên nỗi buồn, nuôi hy vọng ngày nào đó ông sẽ về, gia đình sẽ đoàn tụ.

Mỗi ngày, sau giờ làm trở về nhà, bà thường ngồi nhìn ra khung cửa sổ bé xíu để vọng chồng. Bà vẫn không nguôi hi vọng được gặp lại ông vào một ngày không hẹn trước.

Khi còn đủ sức khỏe, cô Ba Kia vẫn ngồi nhìn ra cửa sổ để ngóng trông người chồng nơi xứ người. 

Thế nhưng sau những tháng năm chờ đợi mỏi mòn, thông tin về ông vơi dần. Những lá thư của ông cũng ít lại. Một ngày, bà nhận được tin ông đã có hạnh phúc mới nơi đất khách.

Thông tin ấy cuốn phăng hi vọng cuối cùng được gặp lại chồng của bà. Thêm một lần đau khổ, bà như chết trong lòng. Bà lặng lẽ chúc phúc cho ông rồi quyết tâm làm việc nuôi con.

Lúc ấy, bà mới ngoài 40 tuổi, vẫn được nhiều đàn ông theo đuổi. Thế nhưng bà đều từ chối, quyết không đi thêm bước nữa.

Ai hỏi, bà chỉ cười rồi hướng mắt về phía chân trời như muốn nói : “Tất cả tình yêu của đời mình, tôi đã gửi theo người chồng đang ở xứ người”.