Bộ đàn đá có một không hai được chế tác từ đá núi lửa

Bộ đàn đá "Hạt giống tâm hồn" lan toả những giá trị văn hoá dân tộc lẫn năng lượng tích cực đến người nghe khắp bốn phương.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu vừa trao tặng First News - Trí Việt bộ đàn đá Hạt giống tâm hồn nhân kỷ niệm 20 năm tủ sách Hạt giống tâm hồn ra đời.

Ông Nguyễn Văn Phước - nhà sáng lập First News - cho biết sẽ gửi bộ đàn đá Hạt giống tâm hồn để nghệ nhân Trương Đình Chiếu mang đi biểu diễn trong 5 năm. Sau thời gian đó, bộ đàn đá đặc biệt này sẽ được trưng bày trong phòng Truyền thống Hạt giống tâm hôn - Trí Việt.

Bộ đàn đá Hạt giống tâm hồn, với hình tượng thuyền vượt sóng đang được trưng bày tại Công viên Tao Đàn.

Tủ sách Hạt giống tâm hồn - “hiện tượng xuất bản” với trên 300 tựa sách - đã trở thành cái tên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam suốt 20 năm qua. Những tập sách với các câu chuyện gần gũi, cảm động và giàu tính nhân văn là nguồn động viên tinh thần cho hàng triệu độc giả, giúp họ vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống, có tinh thần sống nghị lực, lạc quan, theo đuổi ước mơ và vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.  

Theo kỷ lục gia Trương Đình Chiếu, nếu những cuốn sách thuộc tủ sách Hạt giống tâm hồn mang đến những thông điệp truyền cảm hứng đến độc giả  thì âm thanh từ bộ đàn đá này sẽ lan toả những giá trị văn hoá dân tộc lẫn năng lượng tích cực đến người nghe khắp bốn phương. 

Bộ đàn đá được làm từ đá núi lửa.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu - người có thể sử dụng 100 loại nhạc cụ - biết phối khí cùng lúc với 10 loại nhạc cụ khác nhau, nhưng ông đặc biệt quan tâm đến âm nhạc dân tộc, nhất là đàn đá. Đến nay, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã chế tác được khoảng 500 bộ đàn đá, tuy nhiên bộ đàn đá Hạt giống tâm hồn là bộ đặc biệt nhất về mặt ý nghĩa, chất liệu cũng như thời gian chế tác.

Bộ đàn đá Hạt giống tâm hồn tạo ra hoàn toàn từ những khối đá được hình thành từ dung nham của một vụ phun trào núi lửa đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Những khối đá núi lửa nằm rải rác trong các rẫy của đồng bào Ê-đê thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Đắk Lắk. Nghệ nhân mất không ít thời gian để nhờ người địa phương tìm kiếm và đến tận nơi để thẩm định.