Căn bệnh khiến ca sĩ Hà Lan Phương qua đời đột ngột ở tuổi 48 nguy hiểm ra sao?

Nhồi máu cơ tim, căn bệnh khiến nữ ca sĩ Hà Lan Phương qua đời đột ngột sáng 19/9, không còn là bệnh của người trung niên, cao tuổi mà đang dần trẻ hoá. Đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất của bệnh lý nguy hiểm này.

Như VietNamNet đã đưa tin, sáng 19/9, gia đình nữ ca sĩ Hà Lan Phương cho biết bà đột ngột qua đời sáng nay vì bị nhồi máu cơ tim và tắc nghẽn động mạch.

Nữ ca sĩ sinh năm 1974, bén duyên với ca hát từ năm 15 tuổi. Tính đến nay, cô gắn bó với ánh đèn sân khấu được 28 năm. Nữ ca sĩ để lại dấu ấn với những bản tình ca da diết như Tình si, Mong chờ, Em muốn quên anh,… 

Ca sĩ Hà Lan Phương. 

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm có thể xảy ra với bất kì ai. Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý này, trở thành căn bệnh phổ biến tại Việt Nam.

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Bệnh lý nguy hiểm tính mạng, xảy ra khi dòng máu đến cơ tim đột ngột bị ngừng trệ, dẫn đến thiếu máu mô cơ tim.

"Bệnh này thường là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ thống mạch vành", TS Hoàng Văn - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - cho biết. Động mạch vành lấy máu giàu oxy để nuôi cơ tim. Khi hệ thống động mạch này bị hẹp hoặc tắc bởi sự hình thành mảng bám hay huyết khối, dòng máu đến tim giảm đáng kể hoặc mất hoàn toàn dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Sự tắc nghẽn có thể do sự hình thành mảng xơ vữa tại chỗ với thành phần chủ yếu là chất béo, cholesterol và sản phẩm thải của tế bào hoặc do huyết khối từ nơi khác đến làm giảm đột ngột dòng máu đến tim.

Béo phì có thể tăng nguy cơ này. Ăn nhiều thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn, thịt, thực phẩm hàng ngày chứa nhiều chất béo không có lợi và chất béo chuyển hóa bão hòa gây nguy cơ cao.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gây nhồi máu cơ tim cấp như huyết áp cao, đường máu cao, hút thuốc lá, tuổi cao, stress, ít hoạt động thể lực, tiền sản giật, thuốc... 

Nam thường có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn nữ và ở độ tuổi sớm hơn. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người phát hiện bệnh tim mạch sớm trước 55 tuổi với nam và 65 tuổi với nữ, bạn có nguy cơ cao hơn.

Đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim

Theo bác sĩ Văn, bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường có biểu hiện rất khác nhau về triệu chứng và mức độ. Đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất ở cả hai giới.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp rất đa dạng, điển hình là đau thắt ngực và khó thở. Các triệu chứng bao gồm: Cảm giác nặng ngực hoặc thắt bóp trong tim; đau vùng ngực lan ra sau lưng, lên hàm hoặc cánh tay trái, kéo dài hơn vài phút hoặc có thể hết sau đó tái phát; khó thở; vã mồ hôi; buồn nôn và nôn; hồi hộp, cảm giác ngột thở; nhịp tim nhanh; mệt mỏi.

"Tuy nhiên triệu chứng ở phụ nữ ít điển hình hơn nam giới, có thể khó thở, đau hàm, đau vùng lưng, choáng váng, buồn nôn và nôn. Thậm chí, một số phụ nữ bị nhồi máu cơ tim nhưng triệu chứng giống như nhiễm cúm" - BS Văn cho hay.

Bệnh lý dần trẻ hoá

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho hay, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, thường gặp ở các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, gần đây tuổi trung bình của bệnh nhân dần trẻ hóa.

Các bệnh viện như Bạch Mai, Tim Hà Nội, Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội)... từng tiếp nhận các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp khi chỉ mới 26, 28 tuổi.

Dự phòng nhồi máu cơ tim cấp, theo bác sĩ Văn cần thay đổi ăn uống và lối sống. Bác sĩ khuyến cáo ngừng hút thuốc kể cả hút thuốc lá thụ động, giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp và có lợi cho cả hệ tim mạch lẫn hô hấp. Ngoài ra, muốn giảm cholesterol máu và những chất béo không có lợi trong cơ thể, cần chế độ ăn cân bằng, ít thực phẩm đã qua chế biến và sử dụng thuốc giảm mỡ máu nếu cần.